Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vị tiến sĩ “nấm” ở Langbiang

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trò chuyện với TS. Trương Bình Nguyên (sinh 1966, giảng viên Trường ĐH Đà Lạt) – người “nặng nợ” với nấm và đã phát hiện, nghiên cứu, lai tạo nấm hương từ tự nhiên trở thành đặc sản cao cấp; từ niềm đam mê theo đuổi nấm hương đến việc thành lập Công ty CP Nguyên Long… là câu chuyện dài khá thú vị.


TS.Trương Bình Nguyên bên sản phẩm nấm hương do mình nghiên cứu, lai tạo. Ảnh: Thanh Dương Hồng

Thành quả lao động sáng tạo

TS. Nguyên tâm sự, anh yêu ngành sinh vật và theo đuổi nấm từ truyền thống gia đình. Hơn 30 năm trước, cha anh đã gắn bó với nông nghiệp; ông dành nhiều công sức nghiên cứu về nấm và đã liên doanh với Nhật để trồng nấm tại Đà Lạt…

Tốt nghiệp Khoa Sinh, ĐH Đà Lạt năm 1991, chàng cử nhân sinh học đã cùng bạn bè trồng nấm tại Đà Lạt, Đức Trọng; đi làm cho một số công ty… Năm 1998, Bình Nguyên về Phân viện Sinh học Đà Lạt (nay là Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) công tác. Tại đây, anh bảo vệ luận án thạc sĩ; năm 2001, anh du học tại Đức (1 năm); từ năm 2003-2008, tiếp tục sang Nhật học và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành nấm học (Mycology). Từ năm 2013 đến nay, TS. Trương Bình Nguyên chuyển về Trường ĐH Đà Lạt công tác và hiện anh phụ trách công nghệ nấm thuộc “Viện Nghiên cứu Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao” của trường.

Đam mê, theo đuổi nấm là tâm huyết cháy bỏng của tiến sĩ này. Từ việc phát hiện nấm hương (Shiitake) tại đỉnh Langbiang trong một chuyến đi thu thập mẫu năm 2008; đến thành lập Công ty CP Nguyên Long sản xuất nấm hương là “mối duyên” kỳ ngộ!

TS. Nguyên kể, năm 2010, lúc anh đang nghiên cứu trồng đông trùng hạ thảo và nấm hương, Vũ Kim Long (sinh 1974), tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cũng vì “mê” thảo dược đã lên Đà Lạt để khảo sát. Biết TS. Nguyên có ý tưởng “khởi nghiệp” từ nấm hương, chàng cử nhân kinh tế đã đồng ý góp vốn (gần 10 tỷ đồng) cùng TS. Nguyên thành lập công ty mang tên chung hai người.

Có trụ sở tại Đà Lạt; song, để thuận tiện hoạt động, Công ty CP Nguyên Long đã đặt cơ sở tại thôn 1, xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương). Hoạt động được vài năm, do cần vốn để đầu tư công trình khác, năm 2018, cử nhân Long đã rút hết vốn góp, bàn giao công ty cho TS. Nguyên. Đây là giai đoạn Công ty Nguyên Long gặp rất nhiều khó khăn (vốn, cơ sở vật chất)…

Thời điểm này, dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững” của JICA (Nhật Bản) mời công ty hợp tác liên kết hỗ trợ người dân tộc thiểu số Lạc Dương trồng nấm hương, phát triển sinh kế bền vững, thân thiện môi trường (JICA-SNRM).

Triển vọng “Nấm hương Langbiang”

Được TS. Nguyên đưa đi “thực tế” 2 cơ sở nghiên cứu, sản xuất nấm hương của công ty (tại xã Đạ Sar và Đạ Nhim), tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự lao động sáng tạo của vợ chồng anh. Chị Trần Thị Thiên Xuân (vợ TS. Nguyên) làm Giám đốc Công ty Nguyên Long, còn anh làm cố vấn. Tại 2 cơ sở (diện tích 2ha) đã được xây dựng thành các khu nhà làm việc, khu xay, trộn nguyên liệu làm phôi nấm (mùn cưa gỗ cao su), hệ thống phòng nghiên cứu lai tạo giống, phòng khử khuẩn, phòng cấy giống, phòng chờ để nấm phát triển trước khi xuất bán cho các công ty và nông dân trồng, chăm sóc…


Công nhân Công ty Nguyên Long đang sản xuất phôi giống nấm hương. Ảnh: Thanh Dương Hồng

Hiện có 28 hộ nông dân (đa số người dân tộc thiểu số) các xã: Đạm Nhim, Đạ Sar, Đưng K’nớ, thị trấn Lạc Dương liên kết với Công ty CP Nguyên Long sản xuất, tiêu thụ nấm hương với 60 nhà nấm. Các hộ dân được công ty hướng dẫn làm nhà nấm, kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới, làm giàn treo nấm, hỗ trợ mua phôi nấm (10.000 đồng/phôi), kỹ thuật chăm sóc… Toàn bộ nấm nông dân sản xuất được công ty mua theo 3 giá; loại I: 70.000 đồng/kg; loại II: 45.000 đồng/kg và chân nấm: 10.000 đồng/kg.

Song, mới 2 năm khôi phục sản xuất, sản phẩm của công ty chưa nhiều để đáp ứng nhu cầu thị trường; bởi nấm hương vừa là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, vừa là dược liệu chữa trị một số bệnh ung thư nên được người tiêu dùng chọn lựa.


TS. Trương Bình Nguyên với sản phẩm Snack nấm hương đang được thị trường ưa thích. Ảnh: Thanh Dương Hồng

Hiện có 20 công nhân là người địa phương và ở các tỉnh, thành Bắc, Trung, Nam “đầu quân” làm việc tại công ty với mức lương tháng từ 6-7 triệu đồng/người; ngoài ra, công nhân còn được hỗ trợ tiền ăn 1 triệu đồng/người/tháng và được công ty bố trí phòng ở tập thể, các vật dụng sinh hoạt…

“Nấm hương Langbiang” đã và đang khẳng định “thương hiệu” mới đặc trưng của vùng đất cao nguyên. Và trở thành “bà đỡ” đã tạo nghề sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, giúp người dân huyện Lạc Dương mở ra hướng làm kinh tế mới, tăng thu nhập từ sản phẩm có giá trị này…

Thanh Dương Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)