Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Vị Tiến sĩ người Việt luôn đạt điểm tối đa

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, cái tên Nguyễn Ngọc Tuấn được các giáo sư, giảng viên và các sinh viên, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Sư phạm Voronezh của Liên bang Nga nhắc đến với sự thán phục.

Là một Tiến sĩ xuất sắc trong ngành Vật Lý và được những lời mời chào hấp dẫn của những trường Đại học danh tiếng của Nga, nhưng sự lựa chọn của anh vẫn là quê nhà.
Luôn đạt thành tích xuất sắc
Tiến sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Tuấn

Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1981 tại Đồng Giao, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Mặc dù gia đình công nhân, nhưng bố mẹ Tuấn đặc biệt quan tâm, đầu tư cho việc học tập của con cái. Không phụ công cha mẹ, Tuấn đã thi đỗ vào Trường Phổ thông trung học chuyên Hùng Vương, Việt Trì, Phú Thọ. Ngay trong những năm tháng còn theo học tại trường chuyên Hùng Vương, Tuấn đã rất say mê môn Vật Lý.

Nhờ có năng khiếu và được học tại trường chuyên, Nguyễn Ngọc Tuấn luôn đạt thành tích xuất sắc và được chọn vào đội tuyển đi tham dự các kỳ học sinh giỏi quốc gia, và đã đạt được nhiều giải cao, như Giải ba toàn quốc môn Vật lý năm 1999… Ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, Tuấn đã có nhiều bài viết về vật lý được đăng trên báo Vật Lý Phổ thông của Hội Vật lý Việt Nam. Không chỉ giỏi môn Vật Lý, Nguyễn Ngọc Tuấn còn "ẵm" cả Giải nhì trong cuộc thi Toán năm 1998-1999 do báo Toán học và Tuổi trẻ tổ chức, và được trao bằng danh dự.
Với những thành tích như vậy, sau khi tốt nghiệp trường chuyên Hùng Vương, Nguyễn Ngọc Tuấn được tuyển thẳng vào học tại khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại đây, ngay sau học kỳ I, chàng sinh viên miền quê trung du đã đạt điểm trung bình các môn học tại trường là 9,7/10. Trong tất cả các môn thi, Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ "bị" có một điểm 9, những môn còn lại toàn điểm 10. Và Nguyễn Ngọc Tuấn đã được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cử sang Liên bang Nga học tập.
Đạt điểm tối đa tất cả các môn
Sang Liên bang Nga, Nguyễn Ngọc Tuấn theo học Đại học Sư phạm tại thành phố Voronezh. Thành phố thủ phủ của vùng đất đen của nước Nga này nằm cách thủ đô Moskva 600 km về phía nam.
Bằng sự nỗ lực và cố gắng vượt bậc của mình, chàng sinh viên Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuấn đã làm cả trường Đại học Sư phạm Voronezh thực sự ngạc nhiên và khâm phục. Sau khi học xong năm dự bị (năm học tiếng Nga chuyên ngành), Nguyễn Ngọc Tuấn đã hoàn thành chương trình đại học 5 năm chỉ trong vòng 4 năm với kết quả xuất sắc, tất cả các môn học của Tuấn đều đạt điểm 5 (điểm tối đa). Trong suốt những năm học đại học, Tuấn đã nhận được nhiều giấy khen của Đại học Sư phạm Voronezh và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Mới là sinh viên năm thứ 4 của trường, Nguyễn Ngọc Tuấn đã bắt đầu tham gia nghiên cứu Vật lý siêu dẫn. Đối với nhiều sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài, đây là chuyên ngành rất khó, các đề tài mà Tuấn nghiên cứu về vật lý là những đề tài cũng mới mẻ trong khoa học vật lý của Nga và thế giới. Tuấn đã tham gia nhiều hội nghị khoa học và có 4 công trình được gửi đến những hội nghị quốc tế về vật lý siêu dẫn khi còn là sinh viên.
Các nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới "Physica C" (nhà xuất bản Elsevier) số tháng 08/2005, tháng 7/2006, tháng 10/2006. Đó là các công trình Tuấn là đồng tác giả với Giáo sư Belyavsky V.I., chuyên viên chủ đạo của Viện vật lý mang tên Lebedev trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga và Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Kopaev Yu.V. với tên đề tài nghiên cứu là "Sự dịch chuyển từ ghép đôi siêu dẫn với động lượng lớn qua tương tác phonon tới ghép đôi siêu dẫn qua lực đẩy", "Hiệu ứng đồng vị trong điều kiện ghép đôi siêu dẫn từ lực đẩy", "Hiệu ứng đồng vị trong các hợp chất siêu dẫn thường và trong các hợp chất cuprat siêu dẫn"… được giới chuyên môn đánh giá cao.
Vừa làm nghiên cứu sinh vừa làm thầy

Đại học Sư phạm Voronezh – nơi Nguyễn Ngọc Tuấn theo học
Nhờ đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học tại Đại học Sư phạm Voronezh, sau khi Nguyễn Ngọc Tuấn kết thúc chương trình đại học hệ chuyên gia vào năm 2005, anh đã được học bổng toàn phần để chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, viết luận án Tiến sĩ (Ph.D.) chuyên ngành Vật lý tại Đại học Sư phạm Voronezh. Vừa là nghiên cứu sinh, Nguyễn Ngọc Tuấn vừa tham gia giảng dạy cho các sinh viên năm thứ 5 theo lời mời của Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Voronezh.
Sự lựa chọn của trái tim
Nngay khi đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Nguyễn Ngọc Tuấn đã được Giáo sư Kopaev Yuri Vasilevich, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Phân viện vật lý chất rắn thuộc Viện vật lý mang tên Lebedev, ngỏ ý mời anh ở lại làm việc tại Liên bang Nga. "Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận em Tuấn làm việc ở Viện Vật lý tại Liên bang Nga sau khi em bảo vệ xong luận án Tiến sĩ tại trường. Đây là một tài năng hiếm có của Việt Nam trong lĩnh vực này", Giáo sư, Kopaev nói.
Nguyễn Ngọc Tuấn đã bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ chuyên nghành Vật Lý lý thuyết môi trường đông đặc tại Đại học tổng hợp Voronezh vào cuối năm 2008. Mặc dù nhận được những lời mời chào hấp dẫn của những trường đại học danh tiếng của Nga, nhưng sự lựa chọn của anh vẫn là quê nhà.
Được biết, hiện nay Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn đã về nước và làm việc tại Bộ môn Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý kỹ thuật của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là một Viện đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có nhiều thành tích quan trọng, đến nay đã cho "ra lò" hàng trăm kỹ sư, nhà nghiên cứu Vật lý các chuyên ngành từ Vật Lý chất rắn, kỹ thuật Hạt nhân, Kỹ thuật ánh sáng đến Vật Lý môi trường…
Tin rằng với tài năng và kiến thức của mình, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Viện cũng như ngành Vật Lý nói chung. 
Vũ Anh Tuấn/Dan tri
Theo ĐSQ Việt Nam tại LB Nga, báo chí trong và ngoài nước

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)