Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vị trí của GDNN đang ở đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

2.204.400 là số liệu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2017 được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo với đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng người học hiện nay đã lựa chọn chương trình phù hợp thay vì bằng cấp, kết quả phân luồng vào TC có chuyển biến tích cực, tỷ lệ có việc làm trung bình đạt 80,5%… Cả nước hiện có 1.954 cơ sở GDNN (tính đến tháng 3-2018). Với hệ thống GDNN quá lớn như trên thì 2.204.400 chưa phải là con số đáng vui mừng.

Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN 2016-2020” cũng đã nhìn nhận việc thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào trường TC-CĐ chưa hiệu quả. Theo đó, chỉ có khoảng 2,5-3,5% số HS sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, rất thấp so với mục tiêu đề ra tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị là “…năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề…”.

Mặc dù các cơ sở GDNN cũng đã rất nỗ lực, bằng nhiều giải pháp để thu hút người học, song công tác tuyển sinh năm sau lại khó hơn năm trước, chỉ số ít trường có tỷ lệ tuyển sinh ổn định. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề trình độ TC-CĐ tăng cao ở những năm gần đây.

Nguyên nhân tuyển sinh khó đã được các trường chỉ ra, song vẫn còn loay hoay chưa có biện pháp tháo gỡ. Hơn nữa, tư tưởng coi trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại không chỉ ở người học mà ngay cả nhà tuyển dụng. Đó là chưa kể mạng lưới hệ thống GDNN còn nhiều bất cập, phân bổ ở các địa phương chưa hợp lý dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu, lãng phí trong đầu tư. Thực tế có không ít cơ sở GDNN không tuyển sinh được vẫn được cấp kinh phí để “nuôi”, trong khi các trường tuyển sinh được thì kinh phí cấp trên đầu người học thấp, mức học phí khung theo quy định thì không thay đổi, kết quả là các trường thu không đủ bù chi. Thêm nữa, nhiều trường cần mở rộng, nâng cấp cơ sở phục vụ giảng dạy, tạo điều kiện tốt nhất cho HS-SV thì lại vướng cơ chế xin – cho, thủ tục nhiêu khê… Đây là những nguyên nhân chính kéo giảm chất lượng đào tạo giảm, không đáp ứng với yêu cầu doanh nghiệp.

Xã hội hóa hoạt động GDNN được xem là giải pháp ưu việt để phát triển GDNN, tuy nhiên với cơ chế, chính sách chưa được “mở”, quyền lợi doanh nghiệp chưa rõ ràng như hiện nay thì việc thu hút xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này không dễ. Chỉ việc phối hợp giữa các trường và doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành… thôi đã khó, đầu tư mở trường càng khó hơn.

Tự chủ tài chính ở trường nghề, sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở năng lực tuyển sinh kém là giải pháp quy hoạch GDNN hợp lý hơn, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, phân bổ lại ngành nghề đào tạo, tránh mở ngành tràn lan, chú trọng đầu tư và phát triển các nhóm ngành nghề đặc thù của từng địa phương thì may ra vị trí, vai trò của GDNN mới được xã hội nhìn nhận.

GDNN thật sự có vị trí trong xã hội khi được người học chủ động quan tâm, tự nguyện đăng ký học chứ không phải “cùng đường mới chọn học nghề”. Hơn nữa, vị trí của nó còn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, được sự công nhận của doanh nghiệp.

T.An

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)