Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Vỉa hè Sài Gòn không chỉ để đi bộ, mà còn là chốn mưu sinh cho gánh hàng rong, buôn bán, đỗ xe… Do đó, theo các đại biểu HĐND TP HCM, "quản lý vỉa hè không chỉ chú trọng đến người đi bộ".
Hội nghị về quản lý và sử dụng một phần lòng lề đường vỉa hè diễn ra sáng nay tại HĐND TP HCM, hầu hết đại biểu lẫn chuyên gia giao thông đều thống nhất là phải quản lý quy hoạch vỉa hè nhưng cần dung hòa quyền lợi của người dân.
Vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán kinh doanh. Ảnh: Kiên Cường
"Hiện nay, vỉa hè có các đối tượng sử dụng chính là hàng rong, nhà mặt tiền, người dân dùng làm chỗ đỗ xe máy, người đi bộ. Đỗ xe máy là nhu cầu quan trọng nhất, vì thành phố có tới 4 triệu xe máy trong khi bãi lại thiếu. Còn lại, số người đi bộ trên vỉa hè không quá nhiều trong khi tất cả mặt tiền đều dùng vỉa hè kinh doanh", ông Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TP HCM nói.
Ông Nguyên ví dụ, nếu khách cần mua hàng mà phải gửi xe cách 500 m để đi bộ lại nơi bán thì chẳng ai muốn mua sắm nữa. Theo đại diện Viện nghiên cứu phát triển, quy định quản lý vỉa hè sẽ phản tác dụng vì “nếu không cho khách đỗ xe máy ở trước cửa hàng nữa thì chắc chắn hộ kinh doanh sẽ bị dẹp tiệm”.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho rằng, nên tùy theo điều kiện thực tế từng tuyến đường để quy hoạch chỗ để xe, không nên cứng nhắc theo luật. Mức phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường cũng vậy, tất cả phải linh hoạt để tạo điều kiện cho chính quyền dễ quản lý.
Tại Sài Gòn, văn hóa vỉa hè đã tồn tại từ nhiều năm nay, cà phê vỉa hè, buôn bán dùng vỉa hè làm nơi đỗ xe, bán hàng rong dựa vào vỉa hè để mưu sinh… khiến cho việc quản lý rất khó khăn.
"Thay vì theo quyết định vỉa hè dưới 3 m không được để xe tự quản, cần linh hoạt cho để xe một hàng tại các khoảng trống giữa hai bồn cây chẳng hạn. Hoặc vỉa hè trên 5m cho phép để xe thành hai hàng, miễn sao sắp xếp phù hợp cho người đi bộ", đại diện UBND quận 3 phân tích.
Đứng về góc độ nghiên cứu xã hội, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM Nguyễn Thị Hậu thì cho rằng việc phát triển xe cá nhân ồ ạt, nhất là xe máy khiến cho việc quản lý vỉa hè không dễ giải quyết.
Mặt khác, ý thức của người dân cũng là vấn đề cần quan tâm. Kết quả khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu phát triển cho thấy, 400 người dân khi được hỏi về quyền sử dụng vỉa hè ở TP HCM thì có tới gần 53% khẳng định vỉa hè thuộc quyền của chủ nhà có mặt tiền.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển góp ý, cần điều chỉnh hành vi từng cá nhân, nhóm xã hội, nhất là các cư dân đô thị, để họ ý thức được việc quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường một cách hiệu quả.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng: "Quản lý vỉa hè nên sắp xếp sao cho công việc kinh doanh ngày càng đi theo quy hoạch", "nên tìm kiếm, giữ lại vỉa hè có giá trị lịch sử"…
Quyết định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng lề đường tại TP HCM được ban hành từ tháng 10/2008, đến hơn một năm sau, hồi đầu tháng 11 UBND thành phố mới đưa ra danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng lề đường. Hiện mức phí cho việc sử dụng vỉa hè, lòng lề đường vẫn đang được xây dựng.
Kiên Cường (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)