Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Viagra” từ côn trùng?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, chứng rối loạn cương hay “trên bảo dưới không nghe” đang được cánh mày râu quan tâm đặc biệt. Thuốc chữa bệnh rất phong phú và đa dạng. Chúng tôi xin giới thiệu một số côn trùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian có tác dụng hỗ trợ điều trị căn bệnh này để đấng mày râu tham khảo.

Ngài tằm đực
Ngài tằm đực dùng trong Đông y có tên là tàm nga, vị mặn, bùi, béo, mùi thơm, tính ấm, với tác dụng bổ thận, tráng dương, cường tinh rất tốt. Ngài tằm đực đã được xác định chứa chất methyl testosteron (một nội tiết tố nam) có hoạt tính sinh học cao và tác dụng làm tăng mạnh trọng lượng của túi tinh trên động vật thí nghiệm.
Bộ phận dùng làm thuốc của ngài tằm đực là cả con, đem vặt cánh, bỏ đầu và chân, rồi phơi hoặc sấy khô. Khi dùng đem dược liệu sao vàng, có thể dùng tươi.
Dược liệu ngài tằm đực được dùng theo những loại thuốc sau:
Dạng thuốc ăn – vị thuốc: ngài tằm đực từ 5 – 7 con, để tươi đã chế biến, nấu với gạo nếp thành cháo, ăn làm một lần trong ngày hoặc ngài tằm đực (liều lượng như trên) sao vàng giòn, tán nhỏ, say bột mịn; tôm he bóc vỏ 20g, giã nhuyễn. Hai thứ trộn đều với hai quả trứng gà. Đem tán hoặc hấp chín, ăn trong ngày.
Dạng rượu ngâm: ngài tằm đực 100g, dâm dương hoắc 60g, kim anh 50g, ba kích 50g, thục địa 40g, sơn thù 30g, ngưu tất 30g, kỷ tử 20g, lá hẹ 20g, đường kính 40g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với 2 lít rượu 35 – 40 độ, càng lâu càng tốt. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30ml, trước hai bữa ăn chính và khi đi ngủ.
Dạng bột: ngài tằm đực 3 – 5 con, sấy khô, tán bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ xanh, uống làm hai lần trong ngày, dùng 10 – 30 ngày.
Cà cuống

Cà cuống

Cà cuống (Lethocerus indicus Lepetetier et Serville) thuộc họ cà cuống (Belostomatidae), tên khác là sâu quế. Ở dưới ngực cà cuống đực có hai túi nhỏ và dài (gọi là bọng cà cuống) chứa một chất lỏng trong, mùi thơm mạnh, đó là tinh dầu, một vũ khí lợi hại để tấn công con mồi, xua đuổi địch thủ và dụ con cái đến giao phối.
Bộ phận dùng làm thuốc của cà cuống là thịt, trứng và tinh dầu.
Thịt và trứng: Người ta bắt cà cuống vào tháng 4 đến tháng 9. Đem về vặt bỏ cánh và dùng tươi sống. Thịt và trứng cà cuống chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin. Dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Từ xa xưa, cà cuống đã được coi là một loại thực phẩm quý thuộc hạng “sơn hào hải vị” và vật cống của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong dân gian, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc rán sau khi đã lấy túi tinh dầu. Đây là món ăn – vị thuốc bổ dưỡng rất độc đáo được ưa chuộng ở nhiều địa phương. Có khi người ta để nguyên con, chỉ vặt bỏ cánh, hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang.
Tinh dầu: được lấy từ con cà cuống đực bằng cách sau: Dùng đầu nhọn của que tre hay mũi dao rạch một đường ngang ở vị trí giữa đôi chân thứ ba. Gấp bụng cà cuống xuống để bộ lộ hai túi tinh dầu. Dùng kẹp khẽ gắp túi và rút ra một cách nhẹ nhàng (tránh làm rách túi), rồi chích túi cho tinh dầu chảy vào lọ khô, sạch, đậy kín. Nếu đựng trong lọ có nút mài thì có thể bảo quản được rất lâu.
Tinh dầu cà cuống là một chất lỏng trong vắt, chứa chất thơm, được xác định là một hexanol acetat và được sử dụng như thịt và trứng.
Sâu chít
Sâu chít là ấu trùng của loài buwowmsBrihaspa astrostigmella. Sâu dài khoảng 35mm, màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông, cắn đục thân cây làm cây ngừng sinh trưởng. Đến mùa lá, chồi cây mọc lại thành cây thảo (giống hiện tượng của vị thuốc đông trùng hạ thảo).
Người ta thu hoạch sâu chít bằng cách tìm những cây chít bị cụt ngọn, cắt ngang thân ở phía trên khoảng 50 – 60cm, chẻ đôi, lấy sâu. Rửa sạch sâu bằng nước muối, rang hoặc sấy khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô.
Dược liệu có vị ngọt, tính ôn, được dùng thay thế vị đông trùng hạ thảo của thuốc bắc với tác dụng bổ tinh tủy, ích phế thận, tráng dương khí, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối. Liều dùng hằng ngày là 6 – 12g dưới dạng rượu ngâm. Rượu này ngâm lâu sẽ thấy lớp chất béo nổi lên trên nên khi dùng phải lắc đều. Có thể dùng dạng xào nấu với trứng hoặc hầm với thịt ăn hằng ngày.
Sùng đất

Sùng đất

Sùng đất là ấu trùng của con bọ hung (Holotrichia morosa waterhouse). Đốt, da có nhiều nếp nhăn, mỗi đốt có 1 – 2 nếp (trừ 2 đốt cuối). Các đốt đều có lông dạng móc câu. Sống trong đất ở vùng đồng bằng.
Vào tháng 5-8, đào lấy sâu, rửa sạch, ngâm vào nước sôi khoảng 15 – 20 phút, rồi vớt ra đem phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có vị mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí chữa chứng yếu sinh lý, đau lưng, chân tay nhức mỏi. Liều dùng hằng ngày 8-16g, dưới dạng hoàn tán hoặc rượu ngâm.
DS. Đỗ Huy Bích
Theo Sức khoẻ & Đời sống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)