HS khối 12 Trường THPT Lý Tự Trọng đang ôn thi tốt nghiệp
|
Vừa qua, có một số luồng thông tin thiếu chính xác về việc giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng, trực thuộc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (CĐKT LTT). Các luồng thông tin cho rằng: Trong khi nhu cầu về chỗ học đang thiếu thốn trăm bề… thì lại đi giải thể một ngôi trường đang từng bước tạo dựng thương hiệu với gần 1.500 HS… Vậy có thực sự, Sở GD-ĐT TP.HCM đã vội vàng trong việc này?
Nguyên nhân sự việc
Sau hơn 7 năm thành lập, trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung học Kỹ thuật LTT thành Trường CĐKT LTT, đến tháng 1-2013 nhà trường đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo. Tuy nhiên, trường còn một số hạn chế, thiếu sót: Các ngành điện lạnh và công nghệ may chưa có thạc sĩ đúng ngành; ngành cơ khí và ngành động lực còn thiếu thạc sĩ đúng ngành theo quy định. Tỷ lệ mét vuông đất/HS, SV là 11,24 chưa đảm bảo theo quy định. Yêu cầu nhà trường khẩn trương tuyển dụng, bổ sung đội ngũ nhà giáo; có giải pháp mở rộng diện tích đất, đầu tư xây dựng CSVC phục vụ công tác đào tạo và báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả khắc phục. Đến tháng 6-2014 nếu nhà trường vẫn không khắc phục được những hạn chế, thiếu sót nêu trên, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, xử lý theo quy định. Đây chính là nội dung trong công văn số 674/BGDĐT-TTr về yêu cầu khắc phục hạn chế, thiếu sót mà Thanh tra Bộ GD-ĐT sau khi thanh tra Trường CĐKT LTT theo những cam kết khi xin nâng cấp từ trung học lên CĐ và kí ngày 25-1-2013. Ông Văn Công Sang – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đó, theo NQ Đại hội Đảng bộ TP, phải xây dựng Trường LTT thành trường trọng điểm về đào tạo kỹ thuật đạt tầm khu vực nhưng với việc CSVC thiếu thốn, xuống cấp, không có phòng thực hành cho HSSV… nên ngày 26-2-2013 Trường LTT đã có công văn số 249 gửi lãnh đạo Sở GD-ĐT về thực hiện chỉ đạo của đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT và căn cứ yêu cầu tăng quy mô đào tạo bậc CĐ, TCCN của trường. Trường LTT kiến nghị Giám đốc Sở GD-ĐT duyệt cho phép trường giảm 50% chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014”. Ông Sang giải thích: “Phân hiệu THPT bán công LTT trong Trường Trung học Kỹ thuật LTT được thành lập năm 1999, đến 2006 phân hiệu được chuyển thành THPT LTT. Việc thành lập một phân hiệu trường THPT trong trường trung học kỹ thuật lúc đó là một giải pháp tình thế để giải quyết chỗ học cho số HS cấp THPT trên địa bàn các quận Tân Bình, Tân Phú. Sau khi có QĐ02/2003 của TP.HCM về quy hoạch mạng lưới trường lớp, các quận Tân Bình, Tân Phú đã có quy hoạch tổng thể về xây dựng mới các trường THPT, cũng như sửa chữa nâng cấp các trường THPT hiện hữu trên địa bàn các quận này, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Trường cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối THPT (hiện khối này chiếm 28 phòng học và phòng chức năng) để tăng diện tích sử dụng, nhằm tăng cường CSVC phục vụ công tác đào tạo khối chuyên nghiệp. Đây là nhiệm vụ chính của trường đã được xác định trong QĐ thành lập Trường CĐKT LTT”.
Vì vậy, ngày 25-1, Sở GD-ĐT có tờ trình số 257 về đề nghị giải thể Trường THPT LTT, đính kèm công văn 258 đề xuất kế hoạch giải thể Trường THPT LTT gửi UBND TP. Nội dung ghi rõ: Hiện nay trên địa bàn các quận Tân Bình, Tân Phú hệ thống các trường THPT công lập, ngoài công lập; các TTGDTX và các trường TCCN rất phát triển về số lượng, đủ đáp ứng nhu cầu học tập của HS cấp THPT, hơn nữa sự tồn tại của Trường THPT LTT thuộc CĐKT LTT gây ra chồng chéo trong quản lý, hạn chế sự phát triển của Trường CĐKT LTT.
Minh bạch trong từng giai đoạn
Học sinh lớp 12 của Trường THPT Lý Tự Trọng năm học 2013-2014
|
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Sau khi tiếp nhận tờ trình 257, Thường trực UBND TP đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối kết hợp với Sở Nội vụ để hoàn chỉnh các nội dung của tờ trình. Sau khi thống nhất các nội dung, ngày 4-3-2014 Sở GD-ĐT tiếp tục có tờ trình số 558 nêu rõ lộ trình, sắp xếp, bố trí nhân sự, giải quyết chế độ chính sách, tài chính, tài sản và tiến độ thực hiện gửi UBND TP. Đến 12-4 UBND TP có công văn số 1540 về chấp thuận chủ trương giải thể Trường THPT LTT thực hiện từ năm học 2014 đến năm học 2017”.
Đặt câu hỏi: Chủ trương giải thể Trường THPT LTT, Ban giám hiệu Trường CĐKT LTT có trao đổi với cán bộ, giáo viên, công nhân viên của THPT LTT được biết hay không khi mà trên một số phương tiện thông tin đại chúng, phó hiệu trưởng kiêm nhiệm THPT LTT và một số giáo viên rất bức xúc vì không được bàn bạc, hay biết…?
Không vội trả lời, ông Sang cho chúng tôi xem QĐ số 521 về thành lập Ban chỉ đạo công tác giải thể Trường THPT LTT được kí ngày 21-4-2014 gồm 3 điều và kèm theo danh sách Ban chỉ đạo gồm 12 thành viên, trong đó bà Phạm Thị Thu Thảo – Phó hiệu trưởng, kiêm nhiệm THPT LTT là Phó trưởng ban thường trực. Ông Sang nói: “Nhận được công văn 1540 của UBND TP (kí ngày 12-4), Ban lãnh đạo nhà trường đã có nhiều cuộc họp xoay quanh vấn đề này và sau đó ra QĐ 521 được kí ngày 21-4. Nhưng đến ngày 7-5 trả lời một số cơ quan báo chí, cô Thảo lại khẳng định: “Không được nghe hay bàn bạc gì về chuyện giải thể trường”.
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
QĐ 558 của Sở GD-ĐT nêu rõ: Từ 1-10-2014 sau khi bà Thảo nghỉ hưu theo chế độ, Trường CĐKT LTT tiếp tục phân công 1 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn THPT LTT đến khi trường có quyết định giải thể; giáo viên diện biên chế: Thực hiện thuyên chuyển công tác đến Trường CĐKT LTT vào các vị trí phù hợp với trường hoặc đến các trường THPT (công lập), TTGDTX theo nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của đơn vị. Giáo viên được thuyên chuyển, tiếp tục được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định tại đơn vị mới; giáo viên thỉnh giảng, nhân viên diện hợp đồng với trường: Thực hiện chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng, hợp đồng lao động theo quy định. Được hưởng trợ cấp theo quy định, có quyền đăng kí tuyển dụng, kí kết hợp đồng lao động với đơn vị mới…
|
Về phía đơn vị chủ quản, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho biết: Ngày 25-4, Sở GD-ĐT có công văn 1289 về tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015 của Trường THPT LTT, theo đó từ năm học 2014-2015 THPT LTT không tuyển sinh lớp 10 mà chỉ tổ chức giảng dạy, học tập cho HS khối 11 và 12; đến năm học 2015-2016 sẽ chỉ tổ chức giảng dạy, học tập cho HS khối 12; năm học 2016-2017 sẽ tổ chức sắp xếp dứt điểm CSVC, đội ngũ trở lại cho Trường CĐKT LTT. Như vậy, quy trình xin chủ trương giải thể Trường THPT LTT là phù hợp tiến độ, đảm bảo về mặt thời gian; việc giải thể Trường THPT LTT là có lộ trình cụ thể đến năm 2017. “Đặc biệt, căn cứ vào tình hình CSVC, trường lớp và số lượng HS lớp 9 năm học 2013-2014 thì tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập trên địa bàn TP năm học 2014-2015 sẽ là 81,79%. Như vậy, việc dừng tuyển sinh của Trường THPT LTT không ảnh hưởng đến tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015”, ông Sơn khẳng định.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Thuyên chuyển giáo viên từng năm một
Ông Văn Công Sang cho biết: “Sau khi tiếp nhận công văn chính thức của TP về việc giải thể Trường THPT LTT, ngày 21-4 trường thành lập Ban chỉ đạo, đến ngày 2-5 lãnh đạo trường đã họp mặt toàn thể 90 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (60 cán bộ, giáo viên thuộc biên chế) để thông báo về lộ trình, kế hoạch giải thể trường. Chúng tôi cũng thông báo cụ thể cho giáo viên thuộc biên chế biết rõ: Tất cả thầy cô đều được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Từ năm học 2014-2015, trường sẽ tiếp nhận nguyện vọng thuyên chuyển công tác về đơn vị mới của giáo viên, bình quân mỗi năm sẽ giới thiệu khoảng 20 thầy cô về đơn vị trường học cùng cấp mới. Đến 2017 sẽ giữ lại gần 20 giáo viên cho các khoa, ngành khác của trường”.
|
Bình luận (0)