Ở Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng, có nhiều người đã lớn tuổi nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp |
Với những người ở độ tuổi ngoài 30, việc cắp sách tới trường để học chương trình phổ thông không phải là chuyện dễ bởi họ phải đối mặt với rất nhiều thứ như mặc cảm với bạn học chỉ bằng tuổi con mình, kiến thức đã quên hết nên sợ không theo kịp chương trình…
Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều người chăm chỉ cắp sách đến các trung tâm GDTX vào buổi tối để mong lấy được bằng tốt nghiệp bổ túc, rồi thi vào trường TCCN để có được một công việc ổn định hay chí ít cũng có kiến thức để dạy con cái.
Vượt qua khó khăn
Hàng đêm tại Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng không thiếu những học viên lớn tuổi, chững chạc như thầy cô giáo, thậm chí có những học viên tuổi còn lớn hơn cả giáo viên. Tại một lớp 6, chúng tôi thấy trong khoảng 15-16 học viên đang chăm chú nghe thầy cô giảng có 4-5 người tuổi chừng 30-40. Da ngăm đen, mồ hôi vẫn còn thấm đẫm trên vai áo sau một ngày làm việc vất vả, anh Lê Đình Hùng (27 tuổi, nhà ở quận 12), kể: “Tôi nghỉ học từ khi hết bậc tiểu học, sau đó tôi có học qua lớp phổ cập nhưng thấy những kiến thức mà mình thu được rất mơ hồ. Vì vậy, khi nghe một người quen giới thiệu, tôi đến trung tâm đăng ký học ngay lập tức”. Anh Hùng hiện đang buôn bán nhỏ tại nhà, do không có tiền để mở cửa hàng lớn nên anh chạy khắp nơi bỏ mối cho người quen. Có lúc, các cửa hàng gọi vào buổi tối, anh cũng cố gắng giao hàng xong là đến trường ngay. Từ nhà đến trường hơn 20km nhưng hiếm có buổi nào anh nghỉ học. Chăm chỉ là vậy nhưng có một số môn anh vẫn bị điểm kém. Anh Hùng chia sẻ: “Do nghỉ học gần 20 năm nên các kiến thức tôi đã quên sạch, nhiều môn tôi chú ý nghe giảng rất kỹ, về nhà ôn lại mà vẫn không làm bài tập được. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng để theo kịp các bạn trong lớp”.
Với những người độc thân, đến trường là việc đã khó nhưng với những người đã lập gia đình, đặc biệt là phụ nữ lại càng khó gấp bội. Đó là trường hợp của chị Lê Thị Trúc Mai (34 tuổi), đang làm việc tại Liên đoàn Lao động TP.HCM. Chị hiện đã có một đứa con 10 tuổi nhưng kể từ ngày chị đi học, chồng và con chị nhiều lúc phải ăn cơm nguội vì mẹ về nhà quá trễ. Chị kể: “Làm việc ở cơ quan đến 5 giờ chiều mới về, chưa kịp làm gì lại vội vàng có mặt ở lớp lúc 7 giờ tối nên nhiều lúc tôi không kịp nấu cơm cho gia đình. Về đến nhà đã 10 giờ tối, ăn vội chén cơm nguội là lại lo dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để sáng còn dậy sớm đi làm”.
Vất vả là vậy nhưng 3-4 năm nay chị ít khi nghỉ học. Lúc bắt đầu vào lớp, chị mới học chương trình lớp 6, ấy vậy mà nhờ có sự nỗ lực học tập, chỉ 5-6 tháng chị đã hoàn tất chương trình một lớp và đến nay thì chị đã là học viên lớp 11. Nghỉ học quá lâu nên kiến thức dường như đã quên hết, để có kết quả như ngày hôm nay nhiều lúc chị thức trắng đêm để học bài.
Để nâng cao kiến thức
“Chiến đấu” với nhiều bài tập của chương trình phổ thông không phải là chuyện dễ, đặc biệt là với nguời lớn tuổi nhưng tất cả vẫn quyết tâm vượt khó bởi sau nhiều năm lăn lộn với cuộc sống, họ đã thấu hiểu được sự quan trọng của việc học. Và giống như những học viên bình thường khác, họ cũng có định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình.
Anh Lê Đình Hùng mong ước trở thành thợ nghề giỏi nên dự định của anh khi tốt nghiệp là sẽ thi vào TCCN học tiếp. Anh chia sẻ: “Buôn bán nhỏ lẻ, chạy cơm từng bữa mà không có kiến thức thì vất vả lắm. Vì vậy, dù sức học không tốt nhưng tôi cũng cố gắng hoàn thành chương trình phổ thông và tiếp tục học nghề. Tôi nghĩ, nếu có kiến thức văn hóa cộng với tấm bằng nghề, chắc chắn mình sẽ có một công việc tương đối ổn định”.
Không giống như anh Hùng, chị Mai đến trường đơn giản là để nâng cao kiến thức, phục vụ cho công việc tuy đã ổn định nhưng ngày càng đòi hỏi có nhiều kiến thức mới. Học cùng lớp với chị Mai là anh Đỗ Văn Tài (40 tuổi). Anh Tài cũng đã có công việc ổn định là nhân viên văn phòng ở một công ty nhưng nếu có cơ hội, anh rất muốn được làm sinh viên. “Nghỉ học hơn 20 năm nên quyết định đi học lại là một thử thách lớn đối với tôi, tuy nhiên tôi nghĩ việc học không bao giờ là muộn. Xã hội đang phát triển từng ngày, đòi hỏi người lao động dù là lao động phổ thông cũng phải có trình độ mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu tôi hoàn thành tốt chương trình phổ thông, tôi rất muốn thử sức với kỳ thi ĐH, CĐ dù biết nếu có tốt nghiệp ĐH thì chắc tôi cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi”, anh Tài chia sẻ.
Anh Tài có hai đứa con, đứa lớn đã học lớp 9 còn đứa nhỏ mới 4 tuổi, nhà lại cách trường 15km nhưng anh vẫn cố gắng đến trường đầy đủ để thực hiện ước mơ của mình.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)