Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Việc làm rộng mở khi chắc tay nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Anh Tuấn đang trả lời thắc mắc của các em học sinh
Có nên chuyển đổi khối thi trong thời điểm nước rút hiện nay? Thị trường lao động Việt Nam từ năm 2015 trở đi sẽ như thế nào?… Đó là những câu hỏi học sinh hai trường THPT Hiệp Bình và Nguyễn Công Trứ (TP.HCM) nêu lên tại chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức.
Năng lực và sở thích phải tương đồng
Thời điểm này, không ít học sinh lớp 12 vẫn còn phân vân với việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, thậm chí các em còn muốn thay đổi ngành thi. Điều này đồng nghĩa với việc các em phải thay đổi môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH.
Tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, em Nguyễn Ngọc Tuyết Anh (học lớp 12A11) hỏi Ban tư vấn: “Em biết năm học này Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, trong khi các trường ĐH xét tổ hợp môn thi chủ yếu vẫn theo khối truyền thống. Ba năm nay em theo học khối B nhưng giờ em lại thích Luật Dân sự, ngành này chỉ xét khối A và C, vậy đến thời điểm này em có nên thay đổi không?”.
Về vấn đề này, ThS. tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra lời khuyên: “Em nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Với vấn đề này, em có thể liệt kê ra hai ngành đang quan tâm, sau đó chia thành hai cột ghi rõ các chi tiết về năng lực, sở thích, thị trường lao động trong tương lai… rồi chấm điểm. Nếu điểm ở ngành nào cao hơn thì em có thể chọn ngành đó. Tuy nhiên, em nên lưu ý là giữa năng lực và sở thích phải có sự tương đồng, có sở thích sẽ tạo động lực cho em yêu nghề, phát triển nghề nhưng cái quan trọng nhất, nên ưu tiên nhất vẫn là năng lực”.
Cũng có ý định chuyển đổi ngành thi, một học sinh ở Trường THPT Hiệp Bình băn khoăn: “Em dự kiến thi ngành marketing nhưng bố mẹ lại muốn em theo ngành quản trị kinh doanh. Hai ngành này đều liên quan đến kinh tế, vậy nó có giống nhau hay không và cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào?”. Ở câu hỏi này, bà Trương Thị Ngọc Bích (Trưởng bộ phận tuyển sinh, Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) chia sẻ: “Đây là hai ngành hoàn toàn khác nhau. Ngành quản trị kinh doanh chuyên đào tạo kỹ năng quản lý tài chính, sản phẩm… của công ty nên sinh viên sẽ có kỹ năng chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp. Còn marketing sẽ đào tạo kiến thức nền tảng cho đến chuyên sâu về quản trị và quảng bá sản phẩm. Vì thế, em cần phải cân nhắc thật kỹ năng lực và sở thích của mình phù hợp với ngành nào. Còn vấn đề việc làm thì những ngành này trong tương lai có cơ hội rất cao, nếu các em có kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp, cộng với trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm thì sẽ không lo thất nghiệp”.
Nhiều cơ hội khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN
Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn (quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khi được các em học sinh đặt câu hỏi về vấn đề việc làm trong tương lai.
Theo ông Tuấn, chúng ta đang ở trong thời điểm thuận lợi khi kinh tế nước nhà đang ổn định và phát triển. Đặc biệt, cuối năm 2015, khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN thì thị trường lao động sẽ rộng mở, thanh niên chọn nghề không chỉ ở địa phương, địa bàn lân cận mà còn dễ dàng sang các nước trong khu vực. Dự kiến việc làm sẽ tăng nhưng lao động Việt Nam không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cạnh tranh với nước khác.
Theo các chuyên gia, công nghệ thông tin được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu xu hướng phát triển kinh tế đất nước khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Huy (Giám đốc Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech) cho biết: “Những năm gần đây ngành công nghệ thông tin rất phát triển và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đây là lĩnh vực rộng lớn, các em có thể học chuyên về thiết kế, sản xuất phần mềm, quản lý hệ thống thông tin…”.
Đặc biệt, trước câu hỏi: “Em học không giỏi khối A có học được ngành công nghệ thông tin không?”, ThS. Nguyễn Huy nói: “Ngành này đòi hỏi phải có đam mê và sức sáng tạo cao thì mới có thể gắn bó với nghề bền vững”.
Bài, ảnh: Minh Châu
“Trong tương lai bằng cấp nào cũng thành công nhưng nhất thiết là phải tương thích với nghề nghiệp. Ai thiên về tư duy nghiên cứu thì nên chọn con đường ĐH, còn ai thiên về kỹ năng, kỹ xảo thì nên chọn các trường nghề. Ở thời kỳ hội nhập, người lao động phải có 4 yếu tố là có tay nghề, có kỹ năng (đặc biệt là giao tiếp, làm việc nhóm), có tác phong công nghiệp và ngoại ngữ”, ông Trần Anh Tuấn đưa ra lời khuyên. 
 

Bình luận (0)