Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Việc làm tết tăng 20%, cảnh giác việc nhẹ, lương cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều đơn vị tuyển dụng liên tục đăng tuyển, hướng đến nhóm lao động thời vụ với mức lương, thưởng cao… Thế nhưng, tình hình thực tế vẫn đang thiếu hụt lượng lớn lao động chịu “bỏ tết” để ở lại thành phố kiếm tiền.

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong dịp tết tăng cao, đặc biệt ở nhóm lao động thời vụ. Tuy được chi trả với mức lương cao hơn gấp 2-3 lần so với những ngày làm việc bình thường nhưng nhiều trung tâm dự báo, hỗ trợ việc làm tại TP.HCM vẫn thiếu hụt lượng lớn người lao động.

Lý do chính vì phần lớn lao động thời vụ tại TP.HCM chủ yếu là sinh viên. Thời điểm nghỉ tết tại các trường đại học tại TP.HCM đã được thông báo trước, ít nhất 15 ngày và nhiều nhất là 1 tháng, tùy trường. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm “nóng” về tuyển dụng lao động. Thời gian tuyển dụng rơi vào 27 âm lịch – mùng 5 tết, thời điểm này đa số sinh viên đã về quê nghỉ tết.

Lương tiền triệu/ngày, vẫn “đỏ mắt” tìm kiếm

Bạn Quỳnh My (sinh viên năm 3, trường ĐH Văn Hóa TP.HCM) cho biết, quê bạn ở miền Trung nên việc đi lại dịp tết gặp nhiều khó khăn. Riêng tiền vé xe lửa hoặc máy bay đã ngốn gần 7 triệu đồng, nên 2 năm trở lại đây My đều ở lại TP.HCM để làm thêm hoặc có năm tranh thủ về nghỉ sau tết.

Nhiều đơn vị đăng tuyển dụng lao động thời vụ dịp tết từ rất sớm, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ số lượng. 

Năm nay My được nghỉ tết từ cuối tháng 12, tức còn hơn 1 tháng mới đến tết Nguyên đán. Khoảng này Quỳnh My thường nhận thêm công việc làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi với mức thù lao không quá 20.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, theo Quỳnh My, hầu hết các cửa hàng sẽ bắt đầu tăng lương từ sau 25 âm lịch, thời điểm đó đa số các bạn khác đều về quê nên cửa hàng khuyến khích làm việc sau tết lương cao hơn, cộng thêm thưởng.

“Tuy nhiên, theo quy định thì cũng không được làm việc vượt số ca trong ngày nên thời gian hầu hết bị “chết”, đối với các bạn sinh viên làm việc linh động, thời vụ khác bên ngoài thì sẽ có nhiều công việc chen vào thời gian trống, mà mỗi công việc lương, thưởng đều nhân lên nên tiền sẽ nhiều gấp nhiều lần so với làm việc bình thường”, Quỳnh My cho biết.

Chị Hồng Ánh (quận 7, TP.HCM) cho biết, từ hơn 1 tháng nay chị “đỏ mắt” tìm người phụ việc nhà, kiêm giữ nhà 1 tháng tết nhưng vẫn chưa tìm được người phù hợp. Công việc chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, đến khoảng 28 tết cả gia đình chị phải về quê ăn tết cùng ông bà nên cần người kiêm luôn giữ nhà trong những ngày gia đình đi vắng. Với mức lương sau ngày 20 âm lịch là 500.000 đồng/người (bao luôn ăn ở), sau ngày 28 âm lịch đến mùng 4 tết sẽ lên 800.000 đồng/ngày, cộng thưởng nhưng vẫn chưa có người nhận việc.

Lao động dịp tết dự đoán tăng 20% so với năm 2018. 

Nhiều hàng quán, siêu thị, trung tâm mua sắm đã đăng tin tuyển dụng lao động thời vụ làm việc trong dịp tết với mức lương khá hấp dẫn. Như 9 siêu thị thuộc hệ thông Coo.mart đang tuyển gần 900 vị trí, siêu thị Emart Gò Vấp tuyển dụng gần 200 vị trí với thời gian làm việc thời gian làm 4h – 8h/ngày, 6 – 7 ngày/tuần, lương 5.100.000 đồng/tháng; hệ thống KFC toàn TP.HCM tuyển dụng 100 vị trí, thời gian làm 4 – 8 giờ/ngày, lương 35.000 đồng/giờ kèm bảo hiểm; đường hoa tết đang tuyển 200 bảo vệ làm việc theo ca, từ 8 giờ – 12 giờ, bắt đầu từ ngày 17/1 – 9/2 với mức lương từ 25.000 – 40.000 đồng/giờ, kèm cơm giữa ca.

Không có chuyện “việc nhẹ, lương cao”

Chia sẻ với PV, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, do nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vui chơi ngày tết nên lao động thời vụ sẽ tăng, có thể vượt so với tết 2018 khoảng 20%.

Thị trường lao động TP.HCM đang cần khoảng 25.000 chỗ làm việc ổn định và 30.000 lao động thời vụ tập trung ở các nhóm ngành nghề: tiếp thị bán hàng, chăm sóc khách hàng, thương mại điện tử, xây dựng sửa chữa nhà, dịch vụ phục vụ ăn uống, tiếp thị – trưng bày sản phẩm, đóng gói hàng hóa, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chăm sóc cây kiểng, bán hàng thực phẩm thức ăn nhanh, nhân viên bảo vệ, giữ xe, giúp việc nhà, chăm sóc người già, người bệnh (làm việc theo giờ),…

Đặc biệt, trung tâm dự báo về nhân lực cho biết, sự thiếu hụt lao động sau tết Nguyên đán 2019 dự kiến mức bình quân khoảng 2 – 3%, đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến, mức thiếu hụt lao động sau tết khoảng 4% – 5%.

“Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng nhân lực thường xuyên và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực, vì vậy không có biến động về lao động chất lượng cao. Biến động chủ yếu là lao động phổ thông, đặc biệt ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy hải sản thường xuyên biến động, thiếu hụt lao động sau tết”, ông Tuấn cho biết.

Các mảng ngành dịch vụ, ăn uống tại các siêu thị, trung tâm thương mại liên tục tuyển dụng.

Dự kiến thị trường lao động tháng 3/2019 cần khoảng 30.000 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành công nghệ thông tin, điện – điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng, vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu, kinh doanh – bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng, du lịch, khách sạn,… Nhu cầu lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 30%, trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề 30%, sơ cấp nghề 15%, lao động chưa qua đào tạo 25%.

“Nét nổi bật của thị trường lao động sau tết là các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh vào năm 2019. Do đó việc thiếu hụt lao động bao gồm nhu cầu tuyển mới là cơ hội việc làm tốt, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm việc làm phù hợp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tuấn còn cho biết do nhu cầu lao động tăng cao nên sẽ khá phức tạp trong việc tiếp nhận nguồn thông tin tuyển dụng, người lao động cần lưu ý một số vấn đề để tránh rủi ro khi làm việc ngày tết. Ví dụ, cần cân nhắc trước những thông tin tuyển dụng, tránh những lời chiêu dụ như “việc nhẹ, lương cao”, nên đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để nhận được những tư vấn chính xác, nhằm hạn chế tối đa việc người lao động bị lừa đảo, hoặc “quỵt” tiền công lao động trong dịp tết.

Với sinh viên mới ra trường trong thời gian tết, nên lựa chọn những công việc ưa thích, dù chỉ làm thời vụ nhưng sau và trong tết là cơ hội để thực hành, làm quen với công việc, để có nhiều cơ hội việc làm hơn sau tết.

Theo Quốc Thái/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)