Liên tục bị nổi chàm, ngứa ngáy ở chỗ kín, đến bác sĩ khám, sau một tuần được tư vấn theo dõi điều trị, chị Yến bất ngờ phát hiện, nguyên nhân gây bệnh chính là cuộn giấy vệ sinh.
Bệnh nhân cho biết, vốn có thói quen dùng giấy cuộn để lau, những vùng da tiếp xúc sau đó bị ngứa và nổi mẩn đỏ. "Nghĩ mình bị nấm, tôi đến bác sĩ da liễu để khám và uống thuốc nhưng không khỏi. Mãi đến khi được tư vấn ngưng dùng giấy vệ sinh thì một tuần sau đó tôi hết hẳn triệu chứng", bệnh nhân nhà ở Hóc Môn, TP HCM nói.
Cùng thường xuyên dùng giấy, chị Hoa nhà Đồng Nai cũng đến bệnh viện khám trong tình trạng da cổ, mép môi và mi mắt bị ngứa ngáy và nổi đỏ. Qua thăm khám và loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, thủ phạm cũng được xác định là do giấy vệ sinh đã gây phản ứng với da.
Bác sĩ Ngô Kim Thanh, chuyên khoa da liễu và tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, chị Yến và Hoa chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân đến khám tại bệnh viện mắc bệnh có liên quan đến việc tiếp xúc với khăn giấy lau miệng hoặc giấy vệ sinh.
"Cứ 10 bệnh nhân mắc chứng viêm kết mạc, thì có đến khoảng 8 người được xác định có liên quan đến giấy lau. Trong đó, không ít phụ nữ còn bị các khu vực nhạy cảm như viêm âm hộ, âm đạo, viêm quanh hậu môn", bác sĩ Thanh nói.
Cũng theo bà Thanh, hầu hết bệnh nhân bị cùng chứng ngứa, nổi chàm và sau khi ngưng dùng giấy lau thì khỏi bệnh. "Chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng qua thực tế điều trị có thể cho thấy, những cơ thể nhạy cảm thường phản ứng với giấy lau và đặc biệt là những loại giấy không đạt chất lượng hoặc không được bảo quản tốt", bác sĩ này nói.
Phân tích sự liên quan giữa khăn giấy, giấy vệ sinh và các chứng bệnh về da, tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho rằng, hiện còn rất nhiều loại giấy được sản xuất theo một quy trình cực bẩn.
"Giấy vụn thay vì được xử lý theo quy trình tách rác – tách tạp chất – khử mực -khử các loại hóa chất trên giấy – tẩy – phân tán sợi – xử lý nhiệt – rửa nhiều cấp – tẩy trắng bằng H2O2, thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vì không có đủ máy móc lại tiết kiệm chi phí nên đã bỏ bớt các bước tẩy mực làm sạch và dùng Clo nguyên chất vốn độc hại để tẩy trắng", ông Bảo nói.
Cách làm này theo tiến sĩ Bảo sẽ khiến giấy thành phẩm còn lẫn nhiều tạp chất, chất bẩn, vi khuẩn, trong đó có các hóa chất gây hại có thể khiến dị ứng với da hoặc các bệnh đường tiêu hóa.
Giấy vụn không được xử lý kỹ sẽ mang mầm bệnh đến cho người dùng.
Ảnh do Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cung cấp.
Nói về thực trạng trên, ông Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM (Sở Y tế TP HCM) thừa nhận, trong những lần lấy mẫu khăn đi kiểm tra, cơ quan này đều phát hiện có chứa các yếu tố vi sinh, hóa lý không có lợi cho sức khỏe người sử dụng.
Kết quả là như thế nhưng không thể kết luận các sản phẩm này có đạt chuẩn quy định hay không bởi trên thực tế, quy chuẩn chất lượng của giấy lau, giấy lụa chưa được ban hành. Các doanh nghiệp sản xuất chỉ tự công bố rồi tự chịu trách nhiệm với công bố chất lượng của mình.
"Đã đến lúc chúng ta cần có những quy định số lượng vi sinh, yếu tố hóa lý đối với mặt hàng này cụ thể, bởi với giấy lụa, ngoài độ mềm, mỏng, khả năng thấm hút thì các yếu tố vi sinh, hóa lý cũng cần phải bảo đảm bởi các chỉ tiêu này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến da người dùng, đặc biệt là trẻ em", ông Nhân nói.
Tìm hiểu tại TP HCM và Hà Nội, loại giấy dành cho khách lau miệng, lau đũa tại các quán ăn bình dân thường có màu trắng đục, xanh đỏ, lẫn các chấm đen bẩn. Khi lau, giấy bở tơi và dễ rách, thậm chí bay bụi.
Chủ một quán ăn cho biết, loại này có giá rẻ hơn một nửa so với giấy có thương hiệu trên thị trường. "Bán cơm bình dân cho sinh viên không lãi nhiều, cho nên chúng tôi phải cân nhắc", một chủ hàng cơm ở Thủ Đức nói.
Còn theo một chủ hàng phở ở quận Bình Tân, đôi khi vẫn nghĩ đến chuyện giấy lau rẻ tiền là không thể tốt và chưa chắc sạch, "nhưng nếu các thương hiệu lớn mà nghiên cứu được loại giấy chất lượng nhưng giá cả phù hợp thì tốt biết bao".
Theo VnExpress
Bình luận (0)