Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm da, nhiễm độc gan vì nữ trang rởm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo các chuyên gia hóa học, chất độc có trong nữ trang rởm là kim loại nặng có thể gây viêm da, rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp… Làm sao để nhận biết triệu chứng đã nhiễm độc từ nữ trang?


Hãy cẩn thận khi chọn mua đồ nữ trang. Ảnh minh họa

Triệu chứng nhiễm độc
TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa, Hà Nội) cho biết, nữ trang rởm chứa nhiều chất kim loại nặng độc hại cho sức khỏe như: Cadimi, chì, niken…
Biểu hiện của người bị nhiễm cadimi là đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì dễ dẫn đến dị tật thai nhi.
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ngoài chì, cadmium, nhiều nữ trang giá rẻ còn có cả thủy ngân, chất phóng xạ… có thể ngấm vào máu qua da, gây hại cho sức khỏe.
Khi tiếp xúc với niken có thể gây viêm da cấp ở mọi lứa tuổi và là chất gây dị ứng ở trẻ em thường xảy ra khi đeo hoa tai, vòng tay, dây chuyền, nhẫn, đồ trang trí bằng kim loại gắn trên quần áo… Nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh, giảm trí nhớ, nhiễm độc gan, thiếu máu, suy nhược, thậm chí gây ung thư và tử vong.
Theo BS Nguyễn Thành (Bệnh viện Da liễu Trung ương), vị trí tổn thương hay gặp là hai bên dái tai (do hoa tai cọ xát), cổ (do đeo dây chuyền), cổ tay (do đeo lắc, vòng, xuyến), ngón tay (do đeo nhẫn) nổi đỏ lốm đốm hoặc mụn nước rộp. Với người có cơ địa nhạy cảm sẽ xuất hiện vài giờ đến vài ngày sau khi đeo trang sức, những nốt sẩn đỏ sẽ lan rộng, gây chảy nước… nếu không chữa trị ngay vùng da bị tổn thương khi tiếp xúc với mồ hôi, chất bẩn càng dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ, có chữa khỏi cũng để lại sẹo.
Các bác sĩ của Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên, khi đeo nữ trang nếu thấy có hiện tượng mẩn đỏ, ngứa, rộp nước… hãy gỡ bỏ trang sức ngay và dùng nước rửa sạch vùng da tổn thương rồi lau khô. Có thể giảm ngứa bằng đắp gạc lạnh hoặc nhanh chóng tới cơ sở y tế khám để được bác sĩ cho dùng thuốc chống dị ứng.
Tuyệt đối không dùng cho trẻ em
Ông Nguyễn Ngọc Trọng (nghệ nhân kim hoàn ở Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ, các loại hàng xi (nữ trang giả) trong chế tác hay có chì. Vì vậy, tuyệt đối không cho trẻ em đeo. Với trẻ nhỏ, trang sức làm bằng bạc là tương đối an toàn, lại kỵ được gió và bạc cũng là chất liệu ít gây kích ứng nhất cho da, giá thành không quá cao.
Trang sức bạch kim, palladium cũng là những kim loại thân thiện với da người. Nên chọn mua những sản phẩm nữ trang được bày bán ở các cửa hàng vàng bạc, đá quý uy tín để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Tránh mua nữ trang không có nguồn gốc xuất xứ, bởi ngay cả hàng của các nước Italia, Thái Lan… cũng cần có hóa đơn, chứng từ đảm bảo chất lượng và hợp pháp, được phép lưu thông.
Nếu đeo nữ trang rẻ tiền, để tránh bị dị ứng da nên hạn chế thời gian đeo và chỉ nên đeo khi cần. Nữ trang khi đeo dễ bám nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, chất nhờn tích tụ lâu ngày dễ gây phản ứng lên da, vì vậy cần được làm sạch bằng cách ngâm nước ấm pha xà phòng tẩy rửa nhẹ, dùng bàn chải đánh răng chà sạch, lau khô bằng khăn vải mềm.
Các bác sĩ da liễu khuyên, khi phụ nữ, trẻ em gái thích đeo trang sức để tăng sự quyến rũ cần lưu ý:
Không đeo trang sức cả ngày, lúc ra nhiều mồ hôi nên tháo ra để không bị viêm da tiếp xúc. Trẻ em, người có cơ địa dị ứng, da nhạy cảm không nên xỏ lỗ tai sớm hoặc đeo trang sức giả.
Tránh các loại trang sức thành phần không rõ ràng vì chúng có thể chứa chất độc gây hại cho cơ thể (dù là lượng nhỏ vẫn là nguyên nhân của viêm nhiễm, kích ứng lên da) nhất là trẻ em.
Tránh sử dụng trang sức nhiều góc cạnh, họa tiết có thể gây tổn thương cho da. Tránh mang trang sức quý giá cho trẻ em vì không an toàn cho trẻ trước các mối nguy hại rình rập bên ngoài.
Đeo đồ rẻ tiền thấy có các biểu hiện: Mẩn ngứa, sưng đỏ… thì phải cởi bỏ ngay, tránh gãi làm trầy xước da và tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vừa qua đã công bố kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) về 3 mẫu dây chuyền trang sức xi mạ nhập lậu từ Trung Quốc.  
Theo đó, cả 3 mẫu đều nhiễm chì (0,003 – 0,015%) và cadimi (kim loại nặng thứ 7/275) với hàm lượng nhỏ hơn 0,001%. Nhiều mặt hàng y hệt lô hàng bị bắt giữ, nhãn mác là “Made in Vietnam ”, “Made in Korea ” được nhận định có thể đã bị tráo nhãn mác.
Trà Giang
GiadinhNet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)