Những tháng cuối năm luôn là ngưỡng của chứng bệnh viêm nhiễm này. Trên thế giới, những cảnh báo và biện pháp phòng chống bệnh đang diễn ra.
Giữ vệ sinh đôi tay là một cách bảo vệ đường tiêu hóa – Ảnh: Shutterstock |
Triệu chứng phổ biến nhất là tiêu chảy cấp kèm theo nôn ói và sốt nhẹ. Bệnh do vi rút, ký sinh trùng hay vi khuẩn gây ra và có mức độ lây nhiễm cao. Nó có thể trực tiếp lây sang người khác; gián tiếp qua trung gian nước uống hoặc thức ăn bị nhiễm. Để ngăn ngừa, các bác sĩ khuyên nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi thay tã lót cho em bé, trước – sau các bữa ăn và cả trong khi chuẩn bị thức ăn, chuyển từ thực phẩm này sang thực phẩm khác. Cũng không nên mớm cơm cho bé trong khi ăn; uống cùng chai hoặc ly nước với người khác.
Viêm đường tiêu hóa do vi rút thường bộc phát nhanh, song người bệnh có thể khỏe lại sau vài ba ngày nghỉ ngơi, với chế độ ăn thích hợp. Người lớn không bắt buộc phải đến bác sĩ nếu có thể tự kiểm soát việc bù nước đúng mực với nước đường – muối, canh hầm không chất béo, trà thảo dược. Ngược lại, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhạy cảm với vi rút hơn, khi có triệu chứng nên được nhanh chóng đưa đến bác sĩ nhằm tránh trường hợp mất nước trầm trọng.
Đối với các bé bú sữa mẹ thì không nên cắt ngang cữ bú của bé mà cần kèm theo đó là những cữ bù nước, đường và muối với định lượng nhất định, giữa các bữa ăn. Những người cao tuổi, có hệ miễn dịch suy yếu, cần quan tâm nhiều hơn khi có dịch bệnh về tiêu hóa.
Theo TNO
Bình luận (0)