Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm gan vi rút C: Giải pháp đồng bộ cho kiểm soát bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu những cơ sở y tế có đủ cơ sở vật chất và nhân lực cùng với chi phí điều trị cao đang là một trong những “rào cản” chính khiến người mắc viêm gan vi rút C (HCV) gặp khó khăn trong việc tiếp cận điều trị. Những khó khăn này đòi hỏi cần phải có những chiến lược, kế hoạch hành động mang tính tổng thể trong việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Số lượng bệnh nhân viêm gan C ngày càng tăng tạo áp lực không nhỏ đối với ngành y tế và hệ thống các bệnh viện – Ảnh: GettyImages
Khó khăn tiếp cận điều trị
Theo báo cáo của Hội Gan mật Việt Nam năm 2012, tỷ lệ viên gan vi rút C ở nước ta chiếm khoảng từ 4-5% dân số, tương đương khoảng 4,5 triệu người và có trên 10.000 người chết mỗi năm do các bệnh về gan. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh  viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến viêm gan vi rút C đang tăng lên. Viêm gan vi rút C gây ra gánh nặng lớn cho người bệnh bởi chưa có vắc xin phòng bệnh và chi phí điều trị khá cao”.
Không chỉ gây gánh nặng với bệnh nhân, viêm gan C cũng tạo nên “áp lực” không nhỏ đối với ngành y tế và hệ thống các bệnh viện. Số bệnh nhân viêm gan C ngày càng tăng trong khi lại thiếu các cơ sở y tế có đủ cơ sở vật chất và nhân lực. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong năm 2012, bệnh nhân xơ gan do viêm gan vi rút C cao hơn gấp 3 lần so người xơ gan do viêm gan vi rút B.
Hiện tại, trên thế giới đã có những tiến bộ trong điều trị viêm gan vi rút C, nhưng việc phát hiện và điều trị viêm gan vi rút C tại Việt Nam còn hạn chế vì việc điều trị và theo dõi đúng quy trình mới chỉ được thực hiện tại một số ít cơ sở chuyên khoa. Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Kính cho biết: “Chi phí điều trị cao, chưa có sẵn thuốc điều trị tại hầu hết các cơ sở y tế; thuốc điều trị chưa được bảo hiểm y tế thanh toán chính là những yếu tố khiến  người mắc viêm gan vi rút C gặp khó khăn trong  tiếp cận và thực hiện đúng phác đồ điều trị”.
Giải pháp tăng cường tiếp cận điều trị
Từ những khó khăn trong điều trị, TS Nguyễn Văn Kính, đưa ra giải pháp: “Cần có giải pháp cho việc phòng chống viêm gan vi rút C thông qua tăng cường tuyên truyền thông tin về phòng chống lây nhiễm; đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế; chuẩn hóa việc xét nghiệm, tăng cường sàng lọc để phát hiện bệnh sớm, theo dõi và điều trị đúng phác đồ; thiết lập mạng lưới điều trị viêm gan vi rút C. Đặc biệt, chú trọng giải quyết các vướng mắc về bảo hiểm y tế để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận và thực hiện đúng phác đồ điều trị”.
Tại hội thảo hướng dẫn, tư vấn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C diễn ra tại Hà Nội vào ngày 29.7 vừa qua do Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế tổ chức, vấn đề về gánh nặng cũng như giải pháp phòng chống viêm gan vi rút C cũng được đặt ra. Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, viêm gan vi rút C gây gánh nặng bệnh tật lớn nhưng nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này còn hạn chế, bệnh không được sàng lọc, phát hiện ở giai đoạn sớm; bệnh nhân thường được điều trị ở giai đoạn muộn, khi có biến chứng, bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, hoặc không được điều trị đúng, không được theo dõi, tư vấn. Tiếp đó, PGS Khuê cũng đưa ra giải pháp nhằm giúp việc phòng chống và điều trị viêm gan vi rút C đạt hiệu quả cao hơn. Đó là chiến lược, kế hoạch hành động mang tính tổng thể, quốc gia, tập trung vào các giải pháp cụ thể khác nhau. Đặc biệt, PGS Khuê nhấn mạnh tới việc củng cố, hoàn thiện các văn bản luật pháp, đảm bảo tính sẵn có và tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc đặc trị cho viêm gan vi rút C cho người bệnh.
Theo TNO

 

Bình luận (0)