Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm kết mạc – họng – hạch: Dễ bùng phát tại trường học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bệnh viêm kết mạc- họng – hạch có thể lây lan rất nhanh từ người sang người và không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Điều lo ngại là có nhiều người nhầm lẫn bệnh này với bệnh viêm kết mạc thông thường nên điều trị sai, làm bệnh nặng thêm.
Biến chứng nặng do chẩn đoán nhầm
Thấy bé Hoàng Anh Tuấn (ở Phú Xuyên, Hà Nội) bị đỏ mắt, sốt nhẹ, ho, mẹ bé nghĩ con bị đau mắt đỏ thông thường nên đưa đến bệnh viện địa phương kiểm tra. Sau một tuần chữa trị, mắt của bé khỏi nhưng hiện tượng ho lại dữ dội hơn. Mẹ bé Tuấn tự đi mua thuốc viêm họng cho con uống, nhưng bệnh lại nặng hơn, khó thở khi ngủ. Gia đình lập tức  đưa bé lên BV Việt Nam – Cuba kiểm tra tổng thể mới biết bé bị viêm kết mạc – họng – hạch.  Lúc này, bệnh đã biến chứng nặng xuống phế quản.
Ngồi đợi ngoài phòng khám Tai – Mũi – Họng (BV Việt Nam – Cuba), chị Nguyễn Hải Anh (ở Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết, gần một tháng nay mắt chị bị sưng, đau, đồng thời lại bị đau họng, vùng cổ nổi hạch. Cứ về chiều, chị lại có biểu hiện sốt, ho. Đi khám, các bác sĩ bảo chỉ bị viêm họng nên cho thuốc về uống. Bệnh viêm họng đỡ thì mắt lại bị đỏ và đau hơn. Khi thấy khó thở, mắt sưng to và nổi hạch to hơn chị mới đến viện khám.
Bệnh viêm kết mạc – họng – hạch thường xuất hiện vào mùa đông xuân, lây lan rất nhanh. Ảnh: T.T
BS CKII Chử Ngọc Bình, Chủ nhiệm Khoa Tai mũi họng (BV Việt Nam – Cuba) cho biết, những biểu hiện như chị Hải Anh là các dấu hiệu của viêm kết mạc – họng – hạch do virus adeno gây ra. Rất nhiều người hay bị nhầm lẫn với bệnh viêm kết mạc thông thường nên khi thấy mắt đỏ chỉ nghĩ bị đau mắt. Có đau mắt kèm đau họng nghĩ là viêm họng cho nên chỉ đi khám riêng mắt hoặc khám riêng viêm họng nên không phát hiện được bệnh.
Trong khi đó, đây là hai bệnh khác nhau mặc dù cùng do vius adeno gây ra. Với bệnh viêm kết mạc thông thường thì chỉ biểu hiện ở mắt đỏ. Còn viêm kết mạc – họng – hạch có tính chất toàn thân: Sốt nhẹ, viêm mũi – họng, nổi hạch trước tai. Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu ở mắt; hay bị ho, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại bị đau và nổi hạch luôn. Đôi khi, bệnh này còn tấn công làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu khiến việc đi tiểu rắt, buốt.
BS Lê Thị Nga – Khoa Mắt, BV Tràng An (Hà Nội) cho biết, viêm kết mạc – họng – hạch thường xuất hiện vào thời điểm mùa đông xuân. Thời tiết ẩm ướt là lúc rất thích nghi cho loại virus này phát triển. Đa phần bệnh nhân vào điều trị khi đã có biểu hiện nặng do nhầm lẫn với các bệnh khác. Về mắt, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thị lực, viêm giác mạc chấm lông, loét giác mạc. 
Chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị 
Dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc – họng – hạch là hạch xuất hiện ở hai góc hàm, hai bên nắp tai đau, đỏ; viêm họng, niêm mạc họng đỏ và nuốt nước bọt đau; viêm kết mạc, mi mắt phù nề cấp và khó mở mắt, mắt bị chảy nước, sợ ánh sáng.
Vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to, mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái triển nhanh trong vòng 6 ngày, không để lại sẹo.

BS CKII Chử Ngọc Bình cho biết, bệnh lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp khi giao tiếp như ho, hắt hơi và đường tiếp xúc như dùng chung đồ sinh hoạt, khăn mặt, nước bể bơi… Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu chữa, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Thời gian ủ bệnh rất nhanh, khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. Các bác sĩ cho biết, bệnh có thể bùng phát thành dịch ở những khu vực sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, các trường học, cơ quan, xí nghiệp…
Lứa tuổi tiểu học là đối tượng dễ làm lây truyền bệnh nhanh nhất trong cộng đồng. Vì vậy, để hạn chế tối đa tỉ lệ mắc và di chứng, cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế lây lan trong cộng đồng như: Cách ly người bệnh ít nhất khoảng 1 tuần. Trong lúc đang có dịch, hạn chế tập trung đông người, vệ sinh tốt môi trường ở, làm việc. Người bệnh nên có cách bảo vệ hợp lý, tránh lây bệnh sang những người xung quanh.
Khi cơ thể xuất hiện cùng lúc biểu hiện ở mắt, họng, nổi hạch thì cần đi khám cả hai chuyên khoa mắt và họng luôn, chứ không nên khám một chuyên khoa. Vào ngày thứ 5 – 7, bệnh có thể biến chứng xuống phế quản, ho đờm xanh thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Những trường hợp sốt cao, co giật, mệt nhiều không ăn uống được, mất nước thì phải vào viện để theo dõi và truyền dịch. 
Phương Thuận / Gia Đình

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)