Bạn có biết bệnh nào là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ bệnh nhiều nhất? Bệnh nào là lý do hàng đầu gây tiêu hao tài chính vì người bệnh phải mua thuốc thường xuyên để tự điều trị?
Bệnh nào gây trở ngại nhiều nhất cho hiệu quả điều trị nhiều bệnh khác vì bệnh nhân hoặc không thể dùng thuốc theo đúng phác đồ hoặc nếu dùng được thì dược phẩm khó hấp thu tối đa như mong muốn?
Đáp án không chút nghi ngờ, đấy chính là bệnh viêm loét dạ dày- căn bệnh với toàn bộ tiến trình bệnh lý là một chuỗi liên hoàn từ mâu thuẫn này đến nghịch lý khác.
Trước hết, ít khi bệnh viêm loét dạ dày thành hình vì mũi dùi công kích từ bên ngoài mà là do hậu quả của mâu thuẫn trong nội bộ cơ thể. Muốn làm tròn nhiệm vụ tiêu hóa, dạ dày phải tiết ra chất chua để phân giải thức ăn.
Không có dịch vị thì không xong nhưng nếu vì lý do nào đó mà lượng dịch vị còn thừa quá nhiều, như trong trường hợp của người ăn uống thất thường hoặc ngày đêm lo lắng thái quá…, thì chính chất này khi vô công rỗi nghề sẽ quay lại tấn công ngay niêm mạc của dạ dày để tạo thành ổ viêm tấy rồi lở loét
Bệnh viêm loét dạ dày tất nhiên không thể xảy ra nếu mặt trong dạ dày được bảo vệ bằng một lớp chất nhầy do chính niêm mạc dạ dày bài tiết. Chức năng này dễ bị xáo trộn nếu người bệnh tiếp tay cho căn bệnh qua cuộc sống căng thẳng, thói quen hút thuốc, uống rượu, lạm dụng dược phẩm…
Bệnh viêm loét dạ dày phổ biến đến thế nhưng nhiều người xem thường vì ỷ y là thuốc trị bệnh bao tử không thiếu. Đáng nói là số người may mắn lành bệnh vẫn rất ít.
Thêm vào đó, biến chứng từ xuất huyết tiêu hóa bước qua ung thư dạ dày đang tiếp tục tăng. Phải có điều gì đó không thuận lý trong chẩn đoán và điều trị viêm loét dạ dày? Đúng vậy, theo báo cáo trong tháng vừa rồi của y sĩ đoàn bên CHLB Đức, bệnh viêm loét dạ dày sở dĩ tác hại đến thế là vì:
– Nhiều thầy thuốc trị bệnh theo kiểu chạy theo dấu hiệu đau một cách thụ động thay vì chủ động bảo vệ niêm mạc dạ dày.
– Không thiếu nhà điều trị chỉ tập trung vào dạ dày nên quên các yếu tố khiến vết loét trên niêm mạc khó lành. Chẳng hạn bệnh nội tiết đi kèm, sai lầm trong chế độ dinh dưỡng, cách sống của bệnh nhân trái ngược nhịp sinh học…
– Phần lớn bệnh nhân không thay đổi nếp sinh hoạt cũng như thói quen ăn uống mà chỉ dựa vào thuốc.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TPHCM)
Người Lao Động
Bình luận (0)