Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm màng não mủ dễ nhầm với bệnh mũi họng

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Phạm Nhật An, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, hiện luôn có 12 – 15 trẻ bị viêm màng não mủ điều trị tại khoa. Các bệnh nhi này hầu hết đều ở tình trạng bệnh nặng, nguy kịch do người thân tưởng là mắc bệnh thông thường.
Dễ nhầm tưởng
Tại khoa Truyền nhiễm, thời gian gần đây luôn có khoảng 12 – 15 cháu bị viêm màng não mủ phải điều trị, trong đó, cháu bé nhất mới chỉ 2 tháng tuổi. Các bệnh nhi đều ở tình trạng bệnh khá nặng do đến viện muộn. Có những trẻ khi nhập viện thì bệnh đã quá nặng, màng não đã đặc mủ, chọc màng não cũng không thể đếm được xác bạch cầu nữa, khiến bác sĩ rất khó để định lượng điều trị.

PGS.TS Phạm Nhật An thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm màng não mủ (Ảnh: H.Hải)

PGS An dẫn chúng tôi vào thăm bệnh nhi Nguyễn Tiến H, 10 tuổi (ở thành phố Nam Định – Nam Định). Em bị viêm màng não mủ thể nặng điển hình, hiện đã rơi vào tình trạng vô thức. Mẹ cháu ngồi ngay mép giường, vừa nắn bóp chân tay cho con, vừa khóc dòng. Chị kể, cháu H thể trọng vốn rất khoẻ mạnh, ít bị ốm đau như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Mà nếu có hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, chị cũng chỉ cho con uống vài viên thuốc cảm là khỏi.
Nhưng cách đây khoảng 3 tuần, cháu bị chảy nước mũi trong, rồi bị sốt kèm theo hơi đau đầu. Chị nghĩ, chắc con bị cúm, viêm mũi họng thông thường nên chỉ cho cháu uống thuốc hạ sốt, thuốc si rô chữa viêm mũi. Uống hết 7 ngày thuốc, bé H vẫn chưa hết sốt, tình trạng bệnh có vẻ nặng hơn, lúc này chị mới đưa con đi viện. Chị không ngờ, con mình bị mắc viêm màng não mủ thể nặng điển hình. Dù đã được điều trị tích cực nhưng hiện bé vẫn sốt cao, có những dấu hiệu rối loạn ý thức, mắt  nhìn vô cảm…
Bệnh nhi Nguyễn Văn B (12 tháng tuổi, quê ở Bắc Giang) cũng vào khoa Truyền nhiễm điều trị vì bé nôn và quấy khóc. Chị Liên, mẹ B kể, bé không bị sốt, không ho, không chảy mũi, chỉ có điều, bé rất hay nôn trớ, nôn như “vòi rồng” và rất quấy khóc. Lúc đầu, chị nghĩ  chắc con bị rối loạn tiêu hoá vì ăn phải gì đó. Vì thế, chị không cho con ăn bột, ăn sữa ngoài mà chỉ bú mẹ. Nhưng cứ vừa bú xong, bé lại nôn thốc nôn tháo. Phải đến 4 ngày như vậy, thấy con gầy rộc người, chị mới đưa con đi viện khám. Kết quả cho thấy, bé bị viêm màng não và phải nhập viện điều trị. 
Theo PGS An, thời đại ngày nay, khi kiến thức về chữa bệnh, sức khoẻ được đăng tải tràn lan trên mạng internet, rồi việc các bà mẹ chủ quan, cho rằng chỉ là những bệnh lý đơn giản, tự mua thuốc về điều trị cho con là rất nguy hiểm. Như với căn bệnh viêm màng não mủ này, vì dễ nhầm tưởng là bệnh viêm mũi họng thông thường, nên đa phần trẻ được cha mẹ tự mua thuốc về uống, kéo dài hàng tuần liền trước khi được đưa đến viện, khiến bác sỹ khó chẩn đoán sớm và chính xác bệnh. 
PGS.TS Phạm Nhật An cho biết, viêm màng não là bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi.
Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, quấy khóc, nôn trớ. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm…
Vì thế, nhiều bà mẹ rất dễ nhầm trẻ bị viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… và tự điều trị, không hề nghĩ đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh nguy hiểm viêm màng não mủ.
Dễ lây qua đường hô hấp
Ở nước ta, tác nhân gây viêm màng não mủ ở trẻ em chủ yếu do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra. Nguy hiểm ở chỗ, vi khuẩn Hib có thể lây truyền dễ dàng từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp. Trẻ mang vi khuẩn Hip khi nói chuyện, hắt hơi, ho có thể lây bệnh cho trẻ khác thông qua hạt nước bọt bắn ra khi trẻ nói. Thậm chí, những đồ chơi của trẻ, nhất là khi bé hay đưa vào miệng ngặm, cắn… cũng có thể là tác nhân lây truyền bệnh.
Thời điểm giao mùa như hiện nay là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn Hip phát triển, nhiều bệnh nhi bị viêm màng não mủ phải nhập viện.
Theo PGS An, vì tính chất rất dễ lây truyền qua đường hô hấp nên mọi trẻ em đều có thể bị lây nhiễm Hib, nhất là những trẻ có tiếp xúc nhiều với các trẻ khác như những bé đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Vì thế, việc vệ sinh môi trường sinh hoạt, vui chơi cho trẻ là rất quan trọng. Ở lớp, ngoài việc vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ, các cô cũng cần rửa sạch, phơi khô đồ chơi của các bé. Mỗi bé nên có một bộ chăn, gối, ga riêng, không nên ngủ cùng nhau. Ngoài ra, cũng cần cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Tuy căn bệnh viêm màng não mủ do Hip rất dễ lây nhưng có thể phòng bệnh chủ động bằng cách tiêm phòng vắc xin. Trẻ cần tiêm đủ 4 mũi vào các tháng tuổi thứ 2, 3 và 4, sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ được 18 – 24 tháng để phòng căn bệnh này.  
“Căn bệnh viên màng não mủ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Vì thế, khi trẻ có bất cứ một dấu hiệu bệnh lý nào (dù chỉ là ho, sốt, chảy mũi) cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những bệnh nguy hiểm”, PGS An cảnh báo.
Hồng Hải (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)