Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp, chẩn đoán không khó khăn nhưng muốn trị dứt điểm phải tìm ra chất gây dị ứng (kháng nguyên), nên việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và chống bội nhiễm để tránh gây viêm xoang.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, vì một số thuốc chống dị ứng có tác dụng phụ gây buồn ngủ dẫn đến nguy hiểm cho những người làm việc cần tập trung, đang lái xe, vận hành máy móc…
Dễ bị chẩn đoán nhầm
Trên thế giới khoảng 20 – 25% dân số bị viêm mũi dị ứng. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh này chiếm tỷ lệ 30 – 35% trong những người đến khám.
Trên thế giới khoảng 20 – 25% dân số bị viêm mũi dị ứng. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh này chiếm tỷ lệ 30 – 35% trong những người đến khám.
Khi chẩn đoán cần dựa vào yếu tố tiền sử các bệnh dị ứng của bản thân và gia đình như nổi mề đay, hen phế quản (suyễn), nhức nửa đầu (Migrain), phù Quink. Các tài liệu thống kê cho thấy nếu cha hoặc mẹ bị dị ứng thì khoảng 30% con của họ bị dị ứng, nếu cả cha và mẹ đều bị thì xác suất là 65 – 75%. Khi chẩn đoán, phải hết sức thận trọng để không nhầm với các bệnh viêm mũi vận mạch, viêm mũi do hormon, viêm mũi medicamentosa, viêm mũi do lạm dụng thuốc nhỏ mũi, dùng thuốc cao huyết áp hoặc hít ma tuý qua đường mũi, viêm mũi do bất thường về cấu trúc cơ thể học (vẹo vách ngăn, gai vách ngăn, hẹp cửa mũi sau), do VA quá to, do dị vật hoặc u bướu ở mũi.
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường là ngứa mũi, họng và mắt, hắt hơi nhiều vào buổi sáng và giảm vào trưa và tối, chảy nước mũi trong sau đó có màu vàng hoặc trắng đục do bị bội nhiễm, nghẹt mũi thường xảy ra sau một tràng hắt hơi; cùng một số triệu chứng phụ như nhức đầu, ho, đau họng và có thể sốt nhẹ.
Thủ phạm gây viêm mũi dị ứng
Theo tổ chức Y tế thế giới, viêm mũi dị ứng được chia làm ba loại:
Viêm mũi dị ứng quanh năm do các yếu tố như môi trường (hít phải các kháng nguyên gây dị ứng như con mạt li ti trong bụi nhà, trong chăn gối và nệm ghế…, lông thú, lông chim, sơn, vecni), những sang chấn tinh thần (stress) của cuộc sống nhiều lo toan cũng là yếu tố thuận lợi gây viêm mũi dị ứng. Các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng không đặc hiệu khác: thuốc (một số thuốc như Aspirine, Sulfamide, Streptomycine, Penicilline và một số loại huyết thanh chống bạch cầu, chống uốn ván cũng rất dễ gây dị ứng), thức ăn (nhất là đồ biển).
Viêm mũi dị ứng theo mùa như mùa hoa nở, dễ hít phải các loại phấn hoa hoặc bào tử nấm của hoa bay ra trong không khí.
Viêm mũi dị ứng theo mùa như mùa hoa nở, dễ hít phải các loại phấn hoa hoặc bào tử nấm của hoa bay ra trong không khí.
Viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp trong các ngành chế biến, xay xát lúa gạo, hay tiếp xúc với bông vải, với những hạt bụi sợi, khói, bụi gây ô nhiễm tại công trường, nhà máy, hầm mỏ… hoặc tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hoặc làm trong các phòng thí nghiệm…
Lưu ý, viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng viêm tai giữa, làm giảm chức năng vòi nhĩ, polyp mũi, viêm xoang cấp và mãn tính.
Tuỳ mức độ bệnh có cách điều trị riêng
Bà bầu viêm mũi dị ứng, thai có bị ảnh hưởng?
Một trong những câu hỏi bệnh nhân thường đặt ra cho các bác sĩ tai mũi họng là mối liên hệ giữa mẹ và thai nhi với viêm mũi dị ứng. Về nguyên tắc, viêm mũi dị ứng có thể làm cho bệnh suyễn, viêm xoang và viêm da dị ứng tiến triển nặng hơn. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể nặng lên nếu người bệnh đang mang thai, nhưng các khảo sát cho thấy thai nhi không bị ảnh hưởng. Việc dùng thuốc chống dị ứng trong ba tháng đầu thai kỳ không được khuyến khích, kể cả dùng dưới dạng chích của liệu pháp miễn dịch.
|
Mục đích của điều trị là ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của bệnh, giảm các tổn hại lên niêm mạc đường hô hấp.
Dùng thuốc: dưới các dạng khác nhau như uống, xịt, chích và một số biện pháp khác mà không phải mổ. Tránh các chất gây dị ứng do hít bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi đi đường, tại nơi làm việc phải có trang phục bảo hộ để tránh bụi, khói, hơi thuốc. Giải mẫn cảm (tìm đúng chất gây dị ứng thì tỷ lệ thành công sẽ cao, tuy nhiên không dễ vì có vô số kháng nguyên). Thuốc có thành phần là corticosteroid dùng dưới dạng uống có tác dụng làm giảm viêm, giảm xung huyết và tiết dịch của niêm mạc mũi, làm giảm ngứa mũi và mắt.
Thuốc xịt mũi chứa corticoid có tác động chống viêm tại chỗ nhằm kiểm soát các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi và nghẹt mũi. Thuốc không có tác dụng nhiều đến toàn thân mà chỉ góp phần làm giảm sự xuất tiết, giảm sưng lớp lót mũi xoang và duy trì tình trạng viêm tối thiểu. Thuốc kháng histamine thế hệ mới khắc phục nhược điểm không gây buồn ngủ, có tác dụng làm giảm triệu chứng hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi và viêm kết mạc.
Thuốc chống nghẹt mũi (Decongestant) chủ yếu làm giảm nghẹt mũi do gây co mạch và góp phần làm giảm xung huyết ở mũi, giảm xung huyết kết mạc mắt, giảm chảy nước mũi. Tuy nhiên những thuốc này không được dùng lâu dài. Thuốc ức chế leukotriene (Singulair) thích hợp cho bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng theo mùa có kèm theo bệnh suyễn. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9% (dạng chai chứa 100ml, 500ml) được khuyến khích. Thuốc kháng sinh (chỉ dùng khi viêm mũi dị ứng bị bội nhiễm với các biểu hiện như nhức đầu, sốt, nước mũi đục, đau họng).
Phẫu thuật: cần nói rõ là viêm mũi dị ứng do cơ địa không có chỉ định phẫu thuật, chỉ nên cân nhắc phẫu thuật trong những trường hợp sau: bị bội nhiễm, bít lỗ thông từ các xoang ra mũi và gây viêm mủ các xoang mặt; những bất thường từ cấu trúc của mũi như gai hoặc mào chân vách ngăn mũi mà gây ra những triệu chứng giống như viêm mũi dị ứng; viêm mũi xoang do nấm (bệnh này có xu hướng tăng ở Việt Nam) nhưng biểu hiện ban đầu trên lâm sàng như bệnh viêm mũi dị ứng.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Minh
SGTT
Bình luận (0)