Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm não mô cầu diễn tiến nhanh, tử vong trong 24 giờ

Tạp Chí Giáo Dục

Đặc tính của bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể rất nặng, diễn tiến nhanh, tử vong trong vòng 24 giờ. 

Viêm não mô cầu diễn tiến nhanh, tử vong trong 24 giờ
Vi khuẩn tấn công màng não – Ảnh: Internet

“Tuy nhiên, bệnh không diễn tiến ồ ạt, thành ổ dịch như tả, cúm, thủy đậu mà diễn tiến ở các ca lẻ”- bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết.

Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp, chỉ cần hít phải những giọt nhỏ dịch tiết từ mũi, họng của người nhiễm bệnh.

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da, đồ dùng, dụng cụ hằng ngày như ly, tách, điện thoại. Các môi trường tiếp xúc gần gũi như khu tập thể, khu cắm trại, trường học có nguy cơ lây truyền cao.

Bệnh do  vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, thường xuất hiện vào mùa lạnh, nơi có nhiều người tập trung sinh sống.

Lưu ý: 

Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh viêm màng não mô cầu sốt đột ngột, xuất hiện ban máu (tử ban) vào ngày đầu tiên sốt. Không giống như một số bệnh khác là xuất hiện ban sau vài ngày sốt.

Các nốt tử ban này có màu tím sậm, hình răng cưa như bản đồ, lây lan nhanh và gây ra nhiễm trùng huyết ở biến chứng nặng.

Cũng theo bác sĩ Khanh, ở thể nặng, ngoài sốt còn kèm theo các triệu chứng viêm họng, viêm khớp, đau đầu. Trường hợp nhiễm trùng huyết nặng kèm theo các dấu hiệu cứng cổ, li bì, mê man…

Đặc tính vi khuẩn gây bệnh sống ở vùng họng mà đa số ai cũng mang. Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người mà phát bệnh, gây nhiễm trùng sinh mũ ở các màng bao quanh não, gây nhiễn trùng huyết hoặc bị cùng lúc nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh gây nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.

Cơ chế biểu hiện bệnh là sốt và phát tử ban nên dễ nhầm lẫn với bệnh liên cầu lợn. Thường các nốt phát ban không gây lỡ, chỉ hoại tử nhẹ, lan rộng khắp người nhưng ban đầu xuất hiện ở hai chân, thân mình. Các nốt tử ban lan càng nhanh, càng nhiều chứng tỏ bệnh diễn tiến càng nặng.

Hiện nay, có hai loại vacxin phòng ngừa là BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi). Tuy nhiên, đây không phải là vacxin tiêm chủng mở rộng.

“Bệnh không ồ ạt và có nhiều loại kháng sinh chữa được bệnh viêm màng não nên mọi người không quá lo lắng, cần bình tĩnh”- bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Để phòng ngừa lây gián tiếp trong thời gian này, việc rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt; tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng.

Quan trọng, nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường hãy đến ngay các cơ sở y tế. Đặc biệt lưu ý, trong điều kiện bình thường, khi một người có các biểu hiện sốt, nhức đầu, việc tự điều trị bằng các thuốc cảm sốt không ghi toa là hợp lý nhưng nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 48 giờ cần đến gặp bác sĩ.

Trường hợp, sốt viêm họng cần đến gặp bác sĩ ngay. Vì thế, không nên chần chừ khi có nghi vấn, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ tiếp xúc bệnh nhân trước đó.

Tự phòng ngừa cho chính mình và người thân bằng việc vệ sinh cá nhân hàng ngày, đeo khẩu trang, thói quen sinh hoạt lành mạnh, tăng cường chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh…

LAM XUÂN/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)