Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm não Nhật Bản: Bệnh không chừa một ai

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng 108 của Bệnh viện Nhi đồng 1 có đông bệnh nhi đang điều trị VNNB. Ảnh: B.VÂN
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, tháng 7, tháng 8 là thời điểm dịch viêm não Nhật Bản (VNNB) đạt đỉnh. Chính vì vậy mà trong thời gian này, số ca mắc bệnh tăng vọt. Không chỉ “tấn công” trẻ em, VNNB năm nay còn “tấn công” cả người lớn.
Hà Nội: Nhiều bệnh nhân VNNB là người lớn
Điều đáng ghi nhận tại Hà Nội là VNNB đã bắt đầu tấn công sang cả người lớn. Tại Bệnh viện Nhiệt đới TW, một số ca mắc VNNB đang được điều trị tại đây đều là người Hà Nội. Bệnh nhân N.H.Y (20 tuổi, quê tại Đông Anh, Hà Nội) nhập viện ngày 28-6. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân sốt cao, rét run, sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ, yếu nửa người bên phải. Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ban đầu khi được đưa vào viện, các xét nghiệm chẩn đoán VNNB của bệnh nhân đều âm tính. Tuy nhiên, đến ngày 1-7 đã cho kết quả dương tính. Hiện, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, đang phải thở máy. Tiên lượng bệnh khá nặng nề, kể cả trong trường hợp điều trị tốt nhất, có qua khỏi được vẫn có thể có di chứng, có thể có yếu tố thần kinh, liệt cơ. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Chu Thị T. (18 tuổi, quê ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) nhập viện ngày 17-6, cũng được chuyển từ tuyến dưới lên. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, sau một ngày xuất hiện sốt cao 400C, có cơn rét run, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng chậm chạp, lơ mơ, sốt cao liên tục, có yếu cả hai bên chân tay, yếu cơ tăng dần, trở thành liệt toàn bộ chân tay. Đến ngày thứ 6 xuất hiện tình trạng liệt, tiến triển tăng dần, liệt đến cơ hô hấp phải thở máy. BS. Cấp cho hay, bệnh nhân được điều trị theo hướng viêm não với những tổn thương rất nặng nề lan tỏa cả não, cả tủy. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, ngừng máy thở nhưng cơ chân tay vẫn còn liệt. Các BS tiên lượng bệnh nhân có thể hồi phục nhưng vẫn có thể có di chứng, nguy hiểm nhất là di chứng thần kinh.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, có những bệnh nhi bị VNNB trong tình trạng nặng phải thở máy. Theo các BS từ đầu “mùa viêm não” năm nay xuất hiện một số trường hợp trẻ lớn (khoảng 12, 13 tuổi) cũng nhập viện điều trị vì căn bệnh này. Đây là điều khác so với mọi năm. BS. Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm cho biết, thời gian 3 tuần trở lại đây, Khoa Truyền nhiễm ghi nhận khoảng 30-40 ca VNNB. Một số ca bệnh nặng đã phải thở máy. So với các năm, năm nay có khác là tỉ lệ trẻ mắc viêm não cao hơn bình thường, tuổi của trẻ mắc bệnh cũng lớn hơn. Tuy nhiên, các BS cũng cho rằng, đây mới chỉ là nhận định ở thời điểm hiện tại, thông thường nếu muốn đánh giá cần có các con số thống kê chính xác đến hết mùa dịch.
TP.HCM: Bệnh nhi nhập viện liên tục

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các bệnh nhi bị VNNB tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: N.HUÊ
Phòng 108 của Bệnh viện Nhi đồng 1 chật ních người, bé Trần Thị Thúy Bình, 5 tuổi được ba mẹ chăm sóc ngoài hành lang bệnh viện vì giường bé nằm có tới 3 bệnh nhi. “Sợ con nóng bức thì lại bị co giật, vậy mà ra đây rồi cũng vẫn bị”, chị Hằng, mẹ bé Bình, ngụ Lai Vung (Đồng Tháp) khóc nấc khi chứng kiến con đang trong cơn co giật. Tình trạng bệnh của bé Bình đã trở nặng với biểu hiện rối loạn ý thức từ khi bé còn nằm ở Bệnh viện Sa Đéc. Cho đến khi lên đây bé cũng vẫn vậy, lúc mê sảng, lúc mệt lả thiếp đi, khi tỉnh dậy lại khóc thét, lúc thì vung tay chân đánh ba mẹ, khi lại nhìn vu vơ vào khoảng không vô hồn và phát âm những câu không rõ. Chị Hằng kể rằng con chị sốt cao và ói mửa liên tục trong 3 ngày nhưng Bệnh viện Sa Đéc chẩn đoán không ra bệnh. Đến khi bé bị co giật thì vợ chồng chị cuống cuồng đưa con lên TP.HCM và nhập viện lúc 5 giờ sáng ngày 6-7. Một ngày sau, bé Bình vẫn chưa ăn uống được gì và vẫn còn trong tình trạng rối loạn ý thức.
Trong lúc hai vợ chồng trẻ thay phiên nhau dỗ dành con, thì trước cửa phòng nhận bệnh của Khoa Nhiễm có đến gần chục trẻ chờ nhập viện với nhiều biểu hiện nóng sốt, nôn ói. Phòng cấp cứu của khoa này cửa đóng kín mít nhưng một vài người đang nuôi con bệnh nói rằng có nhiều bệnh nhi bị viêm não đang được cấp cứu trong đó. Lúc này anh Thoại, ngụ Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) đang chăm sóc đứa con gái mới 1,5 tháng tuổi trong một căn phòng bệnh có 14 giường chật ních bệnh nhi VNNB cách phòng cấp cứu hai phòng. Theo lời anh Thoại, nhiều bệnh nhi khác cũng bị viêm não như bé Gia Khánh con anh. Vì bệnh nhi đông nên nhiều bé phải nằm võng còn người thân thì phải nằm dưới sàn nhà.
Tiêm vaccine phòng bệnh vẫn là biện pháp tốt nhất
ThS.BS Nguyễn Văn Lâm, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “VNNB là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh này là trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, năm nay, nhiều người lớn cũng nhiễm bệnh. Đây là căn bệnh nhiễm trùng thần kinh lan truyền từ súc vật như lợn, chim mang virus lây sang người thông qua một loại côn trùng tiếp xúc với trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi culex. Muỗi culex, chủ yếu sống ở miền Bắc và xuất hiện nhiều vào mùa nắng nóng, đặc biệt là vào tháng 6 và tháng 7. Vì vậy mùa hè chính là mùa bùng phát dịch bệnh VNNB”.
Nói về VNNB, BS. Đỗ Thiện Hải cho rằng, bệnh tuy đã có vaccine phòng, song vẫn có tỉ lệ nhất định người đã tiêm rồi vẫn mắc bệnh.Ở trẻ em, BS. Hải cho biết, triệu chứng của bệnh vẫn chưa có gì khác thường, phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm, theo dõi sát sao các dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn khan, nôn không liên quan đến ăn uống, trẻ chậm chạp, quấy khóc, rối loạn ý thức, nếu để lâu có thể hôn mê, co giật, liệt tay liệt chân. Vì thế, tiêm vaccine phòng bệnh vẫn là biện pháp tốt nhất phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt các vùng có yếu tố dịch tễ như trung du miền núi phía Bắc… Bên cạnh đó, BS. Hải cũng khuyến cáo, đối với những trẻ đã tiêm vaccine, cha mẹ cũng không được chủ quan. Theo thống kê vẫn còn khoảng 5% trẻ đã tiêm vẫn mắc bệnh VNNB. Do đó, vẫn có một tỉ lệ trẻ nhất định tiêm vaccine phòng bệnh rồi nhưng vẫn mắc căn bệnh này.
Nghiêm Huê – Bích Vân
Lưu ý việc sơ cứu tại nhà
BS. Lâm lưu ý việc sơ cứu tại nhà trước khi đưa trẻ đến bệnh viện là điều quan trọng. Khi phát hiện trẻ sốt cao trên 38,50, phụ huynh cần hạ sốt cho trẻ bằng thuốc paracetamol với liều lượng 10-15mg/cân nặng và chườm khăn ấm, vì nếu đưa trẻ đi trong tình trạng sốt cao thì trẻ sẽ có nhiều nguy cơ bị co giật. Hoặc trong trường hợp trẻ đã bị co giật tại nhà thì cần phải cho trẻ dùng thuốc chống co giật ngay. Điểm cần lưu ý nữa là phòng tránh muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, lấp các ao tù, cống rãnh không cần thiết và cần có thói quen nằm ngủ màn, ăn uống sạch sẽ để ngăn ngừa VNNB.
 
6 tháng đầu năm, cả nước có 325 trường hợp mắc VNNB
Báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc VNNB virus tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố là Gia Lai (2 trường hợp), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) và Hà Nội (1). So với cùng kỳ năm 2013 (379/11) số mắc năm 2014 giảm 14,2%, tử vong giảm 54,5%. Các trường hợp mắc có tính chất rải rác, không có ổ dịch tập trung. Khu vực miền Bắc có số mắc cao nhất, chiếm 65,8%, miền Trung 12,3%, miền Nam 17,5% và Tây Nguyên 4,4%. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là TP.HCM (44 trường hợp), thành phố Hà Nội (37 trường hợp), Quảng Ngãi (37 trường hợp), Thái Bình (28 trường hợp), Sơn La (24 trường hợp), Bắc Giang (20 trường hợp), Điện Biên (18 trường hợp), Gia Lai (14 trường hợp) và Bạc Liêu (12 trường hợp).
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)