Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết… vào mùa!

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa mưa muỗi sinh sôi nảy nở. Đây là điều kiện để cho bệnh SXH, viêm não Nhật Bản gia tăng vì muỗi chính là tác nhân truyền bệnh. Trong tháng 6, tại các BV ở TP.HCM số lượng bệnh nhân (BN) nhập viện do viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng.

BS đang khám cho bệnh nhi bị SXH (ảnh chụp tại BV Nhi đồng 1 ngày 3-7-2017)

Theo báo cáo của BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa SXH, BV Nhi đồng 1, TP.HCM, bắt đầu từ tháng 6, số bệnh nhi bị SXH và nghi viêm não Nhật Bản tăng từ 10 đến 15% trong đó có 10% ca nặng.

Tăng từ 10 đến 15% ca bệnh

Qua ghi nhận tại BV Nhi đồng 1, số bệnh nhi nằm viện do mắc SXH gia tăng, đặc biệt có ca nặng. Trung bình mỗi tuần có từ 70 đến 75 ca nhập viện. Chỉ tính trong ngày 28-6 BV có 116 bệnh nhi đang điều trị nội trú trong đó 9 ca bị sốc SXH với các biểu hiện như tụt huyết áp, khó bắt mạch và nếu bắt được thì mạch đập nhanh.

Theo lời kể của mẹ BN Thái Thị M.T – SN 2011 ở P.Thạnh Lộc, Q.12, sau 2 ngày bị sốt thì bé có triệu chứng nôn ói mỗi khi ăn hay uống thuốc, hầu như bé mệt mỏi suốt ngày, không chịu ăn và hay quấy khóc. Tại BV đã có 2 ca tử vong được chuyển từ các tỉnh lên và diễn tiến bệnh SXH đã quá nặng. Đó cũng là tình trạng gia tăng số lượng BN tại BV Nhiệt đới TP.HCM. Chị Nguyễn Thị Thu – 45 tuổi ngụ ở Bình Chánh đang điều trị SXH tại Khoa Nhiễm C kể: “Lúc đầu tôi bị sốt cao cứ tưởng bị cảm nên ra tiệm thuốc tây mua 2 ngày về uống nhưng cứ uống thuốc hay ăn gì lạ là ói nên người nhà phải đưa vào đây cấp cứu”. Do bị xuất huyết nặng nên chân tay chị Thu đã có những nốt chấm đỏ biểu hiện của SXH ra ngoài da nên phải tăng lượng thuốc điều trị. Trong thời gian này, số lượng BN mắc SXH đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo BS Lương Thị Huệ Tài – Trưởng khoa Nhiễm C, BV Nhiệt đới thì điều đáng nói là các ca mắc điều trị lâu hơn và phức tạp hơn mà nguyên nhân là do BN tự điều trị tại nhà.

Phải ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh

Đây là lời cảnh báo cho bất kỳ cha mẹ nào khi thấy con nóng sốt, nôn ói vào mùa mưa hoặc khi thay đổi thời tiết. Đến bây giờ chồng con chị Thu và chị Bé Hai vẫn chưa hết hoàn hồn khi người nhà bị SXH mà không hay biết cứ ỷ y để tự cứu tại nhà vì sợ phiền phức khi vào BV. Cũng may các BS đang dốc sức điều trị cho căn bệnh nguy hiểm thuyên giảm dần. Cũng vì tự điều trị tại nhà mà một vài BN nằm viện 6, 7 ngày vẫn chưa hết sốt thay vì chỉ 2, 3 ngày. “Thậm chí tiểu cầu đi không theo đường biểu diễn thông thường mà cứ trồi sụt, giảm rất sâu” – BS Tài nhận định.

Số ca SXH người lớn không ngừng gia tăng

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, TP có 8.314 ca, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, số ca mắc SXH là người lớn đang không ngừng gia tăng.

Theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khác với trẻ em, người lớn mắc SXH dễ gặp biến chứng suy đa tạng, rơi vào sốc; đặc biệt có những trường hợp biến chứng viêm cơ tim, sốc tim, dễ tử vong nhanh chóng. BS Phong khuyến cáo, trong bệnh SXH, không phải trường hợp nào cũng truyền dịch. Truyền dịch không đúng với từng bệnh lý thì rất nguy hiểm, truyền dịch sai dẫn đến tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng bao gan và có thể dẫn đến tử vong.

T.S

Không chỉ SXH mà bệnh viêm não Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm đến nay tại Khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 25 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não. Còn tại BV Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay cũng điều trị cho 7 trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản và đa số trẻ đều ở tình trạng bệnh nặng.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết hiện nay đang trong giai đoạn mùa mưa bão bắt đầu, thậm chí mưa sớm hơn lúc trước và trên bối cảnh bệnh SXH đang lưu hành ở khu vực miền Nam cho nên đây sẽ là điều kiện làm gia tăng nguy cơ bệnh SXH, đồng thời có thể làm gia tăng đến những bệnh khác liên quan đến muỗi như virus Zika, hay bệnh viêm não Nhật Bản cũng có thể xuất hiện đặc biệt là ở những khu vực có khả năng mầm bệnh.

PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhìn nhận, bệnh SXH Dengue thường có biểu hiện cấp tính như: sốt cao đột ngột, kéo dài trong 1 tuần với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… Những trường hợp nặng, bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, viêm não Nhật Bản thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê… Tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 10-20%.

“Ngoài ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh như diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh sạch sẽ nơi ăn ở, khi có các triệu chứng 2 căn bệnh trên cần đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời” – BS Huệ Tài khuyên.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)