Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm phổi ở trẻ em: Cách nhận biết và xử trí tại nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh chăm sóc, vệ sinh cho bé cần cẩn thận để tránh NKHHCT. Ảnh: I.T

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Người ta ước tính mỗi năm một em bé dưới 5 tuổi có thể mắc phải từ 3 – 8 lần NKHHCT. Khoảng 1/3 các trường hợp, bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi (VP)…

Làm thế nào để phát hiện VP?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có gần 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới chết vì NKHHCT, chủ yếu là VP. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết do VP mỗi năm. Vậy làm sao để phát hiện sớm bệnh VP ở trẻ em nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra…
Theo WHO, thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ vị VP. Với nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng; từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2-11 tháng tuổi; từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng–5 tuổi, được gọi là thở nhanh. Khi VP diễn tiến thành nặng, phổi sẽ ngày càng mất tính mềm mại có thể trở nên đặc cứng làm trẻ phải gắng sức nhiều để thở. Khi đó các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành – một loại cơ hô hấp ngăn đôi ngực và bụng, phải tăng cường co bóp để bù đắp. Phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ bị cơ này kéo lõm xuống khi trẻ hít vào. Như vậy khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực thì bệnh VP đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị.
Các dấu hiệu nguy hiểm là bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì – khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè đối với trẻ dưới 2 tháng. Đối với trẻ từ 2 tháng–5 tuổi là không thể uống được nước, co giật, ngủ li bì – khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.
Cách chăm sóc trẻ bị VP tại nhà
Khi bị VP, trẻ có thể được điều trị tại nhà. Cho trẻ uống kháng sinh thích hợp, đủ liều và đủ thời gian theo chỉ định của thầy thuốc. Đối với các loại thuốc viên, cần tán nhỏ trước khi cho trẻ uống. Có thể pha thêm một ít đường, hoặc pha với một ít sữa, nước cháo để trẻ có thể uống dễ dàng hơn. Nếu trẻ ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho uống lại một liều khác. Tuy nhiên cũng cần tránh lạm dụng kháng sinh khi trẻ chỉ bị cảm ho thông thường. Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ cho trẻ dùng các loại thuốc cần thiết khác như thuốc hạ sốt (Paracetamol), thuốc điều trị khò khè (Salbutamol, Trebutaline).
Cần cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh, tránh ăn kiêng. Đối với trẻ nhỏ, khi mũi bị nghẹt, tắc, trẻ sẽ khó bú, khó ăn hơn. Vì vậy cần thông thoáng mũi, để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn. Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ bị VP cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đàm, dịu họng, giảm ho.
Khi bị NKHHCT, ho chính là một phản xạ có lợi để tống đàm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng cho trẻ có thể hít thở dễ dàng. Vì vậy không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này. Trong trường hợp trẻ ho nhiều dẫn đến những hậu quả xấu như nôn ói, mất ngủ, đau tức ngực, đau rát họng… có thể cho trẻ uống các loại thuốc ho an toàn.
Bộ Y tế khuyến cáo, nên dùng các loại dược thảo, thuốc nam an toàn đã từng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian: tắc (quất) chưng đường, rau tần dày lá, mật ong, gừng… Các loại thuốc ho như sirop Astex, sirop Pectol E có thành phần chính là thảo dược an toàn cũng có thể được sử dụng cho trẻ em.
Trẻ cần được khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem thuốc kháng sinh này có hiệu quả tốt hay không. Ngay trong trường hợp tốt nhất (trẻ thở trở lại bình thường, hết sốt, ăn–bú khá hơn) trẻ cũng cần phải tiếp tục cho uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày. Nếu sau 2 ngày tái khám, trẻ còn thở nhanh, bác sĩ sẽ cho bé dùng một loại kháng sinh cần thiết khác hoặc cho nhập viện. Cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy có một trong các dấu hiệu sau: thở khó khăn (thở nhanh hơn – mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực), trẻ không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt hơn.
 BS. Trần Anh Tuấn
(Khoa Hô hấp – BV. Nhi Đồng I)

Bình luận (0)