Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm tai giữa có nguy cơ điếc vĩnh viễn

Tạp Chí Giáo Dục

Khi bơi lội, không nên lặn quá sâu để ngăn ngừa bệnh viêm tai giữa. Ảnh: X.P

Viêm tai giữa giai đoạn cuối dễ làm cho màng nhĩ bị thủng và có nguy cơ điếc vĩnh viễn. Vì thế, người bệnh cần tìm cách đề phòng cũng như đến bệnh viện chữa trị kịp thời.
Viêm mũi, viêm họng đến viêm tai giữa
Thấy con trai mình sốt cao mấy ngày uống thuốc cảm không khỏi, lại có triệu chứng đau tai nên anh Nguyễn Trọng Hải (ngụ ở phường 6, Q.3, TP.HCM) đưa cháu Nguyễn Trọng Hoàn đến khám tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM. Tại đây, sau khi thăm khám trực tiếp, BS. Trương Việt Xuân Ánh kết luận bệnh nhi bị viêm tai giữa trái, kê đơn thuốc uống trong 15 ngày và hẹn tái khám sau đó. Lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai, anh Hải đã gặp một số bạn bè là BS chuyên khoa để tìm hiểu thêm nguyên nhân của căn bệnh này. Theo BS. Xuân Ánh, do đặc điểm của giải phẫu sinh lý trẻ em có nhiều khác biệt với người lớn nên thường bị viêm tai giữa cấp nhiều hơn mà nguyên nhân chủ yếu là do ứ đọng dịch hoặc nhiễm trùng trong hòm tai (một hốc xương trong tai giữa). Một nguyên nhân thường thấy khi trẻ bị viêm họng hoặc viêm mũi thì vi khuẩn từ các ổ dịch này có cơ hội xâm lấn bộ phận tai giữa gây viêm nhiễm nặng. Đó cũng là trường hợp mà cháu Hoàn – con của anh Hải mắc phải.
Khi xác định đúng căn bệnh viêm tai giữa ở giai đoạn đầu, bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhằm giảm đau, hạ sốt, chống viêm và ngăn ngừa xung huyết màng nhĩ nhằm bảo vệ màng nhĩ. Mức độ nặng hơn khi thấy màng nhĩ viêm đỏ, căng phồng thì phải chích rạch màng nhĩ để tháo bỏ dịch mủ trong tai giữa nhằm ngăn chặn mủ tự vỡ làm thủng màng nhĩ chảy ra ngoài hoặc tràn vào xương chũm. Khi thấy tai có mủ, BS thường can thiệp bằng cách chích rạch màng nhĩ để cho mủ tự chảy ra ngoài. Biện pháp này thực hiện càng sớm càng tốt vì tránh trường hợp mủ ứ đọng quá nhiều trong tai dễ làm cho màng nhĩ bị thủng. Bệnh nhân có thể yên tâm vì vết chích sẽ tự liền lại sau vài ngày. Viêm tai giữa gây ra thủng màng nhĩ cho bệnh nhân là đã bước sang giai đoạn nguy hiểm. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến thính lực và nguy cơ điếc vĩnh viễn rất cao.
Có thể ngăn ngừa được
Thực tế đã cho thấy những chấn thương do thay đổi đột ngột do áp suất như lặn sâu dưới nước, bị tát tai, đi máy bay cũng có thể gây rách màng nhĩ. Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tắm ở những ao hồ dơ bẩn có nhiều ổ vi trùng, chỉ đi bơi tại những hồ nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Khi bơi lội không nên lặn quá sâu. Đeo nút bịt lỗ tai khi bơi hay khi đi máy bay để tránh áp suất đột ngột. Sau khi bơi không nên ngoáy tai bằng bông gòn vì dễ làm trầy xước da tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng dễ dàng xâm nhập vào tai giữa. Người bị thủng màng nhĩ tuyệt đối không bơi lội nhiều vì vi trùng dễ dàng đi qua màng nhĩ đã thủng để xâm nhập vào tai gây viêm tai giữa. Nếu có bệnh vùng mũi họng nhất là trẻ em như viêm xoang, VA, viêm họng, u vòm… thì phải chữa trị kịp thời nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm lấn từ các vùng khác vào tai giữa gây viêm nhiễm nặng. Ngoài ra theo cảnh báo của BS, biến chứng của viêm tai giữa có thể làm gây ra viêm màng não. Không nên tự ý điều trị tại nhà theo tập tục lạc hậu hoặc các bài thuốc dân gian không có cơ sở khoa học như các loại thuốc bột, thuốc làm từ các loại lá cây hoặc dầu… dễ gây viêm nhiễm, dẫn đến biến chứng nặng rất khó chữa trị.
Ngọc Quang

Bình luận (0)