Bác sĩ đang khám bệnh VTQC cho trẻ. Ảnh: L.T |
Viêm thanh quản cấp (VTQC) là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, tiến triển trong thời gian ngắn dưới 3 tuần. Thông thường, trẻ VTQC xảy ra sau một đợt viêm mũi, xoang, họng cũng có khi bệnh xuất hiện ngay sau khi cảm lạnh.
Nguyên nhân và triệu chứng
Vừa qua, BV Nhi đồng I TP.HCM đã tiếp nhận trường hợp bé nam H. T ( 22 tháng tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái co kéo lồng ngực, co lõm ức. Gia đình cho biết bé bị tình trạng này đã hai ngày, lúc đầu sốt nhẹ, ho sổ mũi, khóc khàn, đến đêm bé lên cơn khó thở tím tái nên đã đưa vào nhập viện. Bé được chẩn đoán VTQC và được điều trị thở ôxy, thuốc kháng viêm dexamethasone tiêm bắp, khí dung adrenalin để chống phù nề đường thở. Sau một giờ, tình trạng bé không cải thiện, vẫn còn khó thở nên được tiếp tục khí dung adrenalin phối hợp với khí dung budesonide. Sau 12 giờ điều trị, tình trạng bé đã cải thiện, bớt khó thở, ăn uống được và tiếp tục điều trị tại khoa hô hấp.
Triệu chứng chính của VTQC ở trẻ em là khan tiếng, thở rít và tiếng ho ong ỏng. Trẻ còn bị sốt nhẹ 3705C-3805C, đồng thời có biểu hiện lo lắng, sợ hãi. Bệnh này thường trầm trọng hơn vào ban đêm, cơn khó thở thanh quản xuất hiện vào khoảng thời gian này trong 3- 4 ngày đầu mắc bệnh. Có 3 mức độ như sau: Nhẹ thì trẻ ho, khàn tiếng, chỉ có tiếng thở rít khi khóc. Giai đoạn này trẻ chưa phải nhập viện, chỉ cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi và điều trị tại nhà; trung bình thì trẻ thở rít khi nằm yên, khó thở, thở nhanh, co lõm. Khi thấy trẻ có những triệu chứng này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị; còn nặng trẻ sẽ thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, kích thích, vật vã, tím tái. Lúc này trẻ bị tắc nghẽn hô hấp nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Bệnh rất dễ tái phát
Khi trẻ mắc bệnh hô hấp có triệu chứng khàn tiếng, khó thở thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Bệnh VTQC rất dễ bị tái phát, vì vậy khi trẻ đã khỏi bệnh hoàn toàn các bậc phụ huynh vẫn phải chú ý giữ ấm, phòng ngừa cho trẻ. Đặc biệt là bảo vệ thanh quản cho trẻ như không cho trẻ la hét quá lớn trong khi vui chơi để tránh làm trẻ khàn giọng; không cho trẻ tiếp xúc nhiều với hệ thống máy giữ độ ẩm không khí vì dễ làm cho cuống họng bị khô; tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường có khói, bụi, thuốc lá… Dạy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi, nhảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi.
Đối với trẻ nhỏ, VTQC có thể gây khó thở trầm trọng nên cần được bác sĩ khám và theo dõi. Cơn khó thở thanh quản mức độ nhẹ thường thuyên giảm trong vòng 3 ngày nếu được chăm sóc và theo dõi cẩn thận tại nhà. Để chăm sóc tốt bệnh, các bậc phụ huynh cần phải bình tĩnh vì trẻ đang sợ hãi rất cần được trấn tĩnh. Tạo môi trường yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi, tránh la khóc, giúp trẻ kiêng nói. Cho trẻ uống nhiều nước ấm, kiêng các gia vị kích thích như tiêu, ớt. Dùng các thuốc nhằm hạ sốt, chống viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra cũng cần dinh dưỡng, bồi dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng của trẻ. Điều quan trọng khi chăm sóc trẻ VTQC là theo dõi diễn tiến bệnh để phát hiện kịp thời dấu hiệu trở nặng. Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có một trong những dấu hiệu sau: Thở rít tiến triển, xuất hiện khi trẻ nằm yên; xuất hiện dấu hiệu khó thở, thở bất thường, phập phồng cánh mũi; trẻ há miệng khi thở và chảy nước miếng; sốt cao trên 390C hoặc cơn khó thở thanh quản chưa giảm sau 3 ngày.
ThS.BS Đình Thạc
(Chuyên viên tham vấn Nhi khoa – BV Nhi đồng I TP.HCM)
Bình luận (0)