Trường THPT Châu Văn Liêm đang ngày càng xuống cấp, đập hay để vẫn chưa có câu trả lời |
Ngày 16-3, UBND và Ban Tuyên giáo TP.Cần Thơ đã tổ chức hội thảo “Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm”. Hội thảo nhằm tìm giải pháp khả thi cho phương án (PA) kiến trúc Trường THPT Châu Văn Liêm – “Viên ngọc Tây Đô”.
Trước đó, năm 1917, trường được xây dựng với kiến trúc kiểu Pháp. Hiện là một trong những ngôi trường lớn và lâu đời nhất của miền Tây Nam bộ. Trường là niềm tự hào, là di sản kiến trúc quý giá, đồng thời là biểu tượng văn hóa cho đất và người Tây Đô nói riêng, miền Tây Nam bộ nói chung.
Theo thời gian, ngôi trường đạt chuẩn quốc gia này đã xuống cấp. Trước những yêu cầu về đảm bảo an toàn cho học sinh (HS), giáo viên (GV), TP.Cần Thơ đã lập dự án cải tạo trường. Theo đó có bốn PA. Trong đó, PA 1 – Cải tạo cơ bản kết hợp cải tạo 5 công trình kiến trúc Pháp gốc, bổ sung thêm nhà vệ sinh, nâng cấp hệ thống sân vườn gắn với hệ thống thoát nước mưa; PA 2 – Cải tạo toàn diện, trong đó tập trung cải tạo 5 công trình thời Pháp nhưng xây mới khối công trình được xây thêm vào năm 1972 theo kiến trúc Pháp; PA 3 – Xây mới trường trên nền kiến trúc cũ, chỉ giữ lại duy nhất khối phòng học cặp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn lại phá dỡ và xây dựng toàn bộ các khối nhà theo kiến trúc Pháp; PA 4 – Xây mới hoàn toàn trường theo kiến trúc cũ.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất: Trường đã xuống cấp, cần cải tạo hoặc xây mới để đảm bảo an toàn cho hoạt động dạy và học. Khá nhiều đại biểu chọn PA 3, đồng thời đề nghị giữ lại một số hạng mục còn chất lượng tốt. Vấn đề đặt ra là làm sao khắc phục tình trạng ngập của công trình này khi mưa lớn. Và khi triển khai dự án mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì công trình này không giữ được. Do vậy, nhiều đại biểu đề nghị giữ khối công trình ở đường Ngô Quyền.
Nhìn chung, đa số ý kiến nghiêng về giải pháp bảo tồn hồn cốt ngôi trường cho con cháu mai sau. Muốn vậy cần giảm quy mô trường, không xây thêm lầu cho phần xây mới. Việc này khá thuận lợi vì Q.Ninh Kiều đã xây thêm nhiều trường THPT.
Kiến trúc sư Trương Công Mỹ – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Cần Thơ – lưu ý: “Trường THPT Châu Văn Liêm đã trở thành di sản của tâm hồn, trí tuệ, là niềm tự hào, biểu tượng giá trị văn hóa của người Tây Đô. Giữ lại trường hay không, bên cạnh công năng cần phải đánh giá về mặt tình cảm, tâm tư của biết bao thế hệ người Cần Thơ đối với trường. Nếu xem xét dưới góc độ di sản thì phải ứng xử theo góc độ di sản. Tôi thí dụ, khi Cần Thơ phát triển tầm vóc như Singapore, lúc ấy Trường THPT Châu Văn Liêm sẽ là một viên ngọc vô cùng quý giá, chứ không đơn giản chỉ là ngôi trường như những trường khác. Nếu tư duy theo kiểu phải xây mới khi xuống cấp thì những công trình như Nhà hát Lớn Hà Nội, TP.HCM đã bị đập bỏ lâu rồi…”.
Ông Mỹ nhấn mạnh: Các PA dường như chỉ chú ý công năng ngôi trường nhưng chưa đánh giá chính xác mức độ chất lượng còn lại, quan trọng nhất là kết cấu chịu lực của trường là bao nhiêu? Trong khi theo nguyên tắc, xây mới trường cần có thông số chính xác về điều này.
“Năm 1987, cơ quan chức năng Pháp gửi văn bản cảnh báo trường đã hết niên hạn sử dụng. Chúng tôi cho rằng Pháp gửi công văn này chỉ vì trách nhiệm đối với sản phẩm. Theo chúng tôi, công trình Trường THPT Châu Văn Liêm vẫn có thể bảo tồn được. Qua quan sát hầu hết những khu vực xuống cấp nặng đều do phần xây mới chắp vá từ trước và sau năm 1975. Phần kiến trúc nguyên bản của năm 1917 không hư hỏng nhiều. Theo ý tôi, cần giữ lại các khối kiến trúc nếu còn giữ được, kết hợp giải quyết vấn đề thoát nước. Phần xây mới cần giữ nguyên bản kiến trúc cũ”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – cho rằng: Vấn đề đặt ra là nâng cấp hoặc xây mới trường? Nhiều đại biểu chọn PA bảo tồn, nhưng liệu có bảo đảm an toàn cho HS và GV sau khi thực hiện.
Trao đổi riêng với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM, ông Tâm cho biết: “Nhiều đại biểu nghiêng về PA 3, TP sẽ nghiên cứu để thực hiện một cách tốt nhất, giữ khối công trình ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hay đường Ngô Quyền. Song song đó cũng cần có nguyên vật liệu để phục dựng tốt những công trình cần bảo tồn”…
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)