Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Viện phí: Tăng bao nhiêu thì đủ?

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, người dân trên khắp mọi miền đất nước đều rất quan tâm đến việc tăng viện phí. Ở nhiều tỉnh, thành mức viện phí cao ngất ngưởng đã được áp dụng. Tại TP.HCM, mức viện phí mới tuy chưa được thông qua nhưng cũng đã có một vài bệnh viện âm thầm thực hiện…
Tăng viện phí đó là lẽ đương nhiên. Bởi, mức phí hiện nay đã quá lỗi thời so với vật giá. Nhưng, tăng bao nhiêu thì đủ?
Đủ ở đây không phải là đủ theo cách tính “bỏ đầy túi tham” của không ít bệnh viện mà đủ ở đây là “tiền nào của nấy”. Phí cao thì chất lượng khám chữa bệnh phải cao, ngược lại chất lượng khám chữa bệnh thấp thì không có lý gì lại thu viện phí cao.
Có thể nói, hiện tại chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện trong cả nước đều… rất thấp. Ở tuyến dưới, nếu chính quyền quan tâm, có ngân sách từ TW rót xuống thì có được cơ sở vật chất khang trang. Nhưng nhìn chung cũng chỉ là hình thức (phòng ốc rộng rãi, sạch đẹp…), còn trang thiết bị phục vụ việc khám chữa bệnh thì không thiếu cái này cũng thiếu cái kia. Tệ hơn cái có thì phải nằm đắp chiếu vì không ai biết sử dụng. Về con người thì có đủ nhưng lại thiếu chuyên môn; khi đưa lên các bệnh viện tuyến trên học thì không trở về công tác. Lý do mà họ đưa ra là trở về thì không có điều kiện phát huy tay nghề. Trong khi đó, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên có tay nghề giỏi; thậm chí ở một số bệnh viện còn có đội ngũ bác sĩ với chuyên môn cao không thua gì các bệnh viện ở những nước phát triển. Song, không bệnh viện tuyến trên nào là không quá tải, tình trạng bệnh nhân nằm 2 người (người lớn)/giường, 4-5 bệnh nhân (trẻ em)/giường; bệnh nhân nằm dưới gầm ghế, gầm giường, gầm cầu thang, trên hành lang… không có gì là lạ.
Ngày 23-7-2012, tôi đã được tận mắt chứng kiến sự quá tải đến mức không thể quá tải hơn nữa khi tới Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ngay từ cầu thang bước lên lầu 3 để vào Khoa Hô hấp đã có bệnh nhân nằm. Bước vào bên trong, tất cả các lối đi la liệt bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân chỉ mới vài tháng đến vài tuổi phải nằm co ro trên một manh chiếu bé tẹo (phụ huynh mua ở ngoài đem vào). Trong từng phòng, mỗi giường “chất” từ 3-4 bệnh nhân. Các bé phải nằm ngang chứ không được nằm dọc vì nằm dọc thì chiếm nhiều diện tích giường hơn.
Một bà mẹ có con đang phải nằm ngoài hành lang hỏi tôi: “Theo chị thì đây có phải là bệnh viện không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì một ông bố cũng có con nằm ngoài hành lang lên tiếng: “Trại tỵ nạn chứ không phải bệnh viện. Bệnh viện gì mà không có chỗ cho bệnh nhân nằm, phải nằm ngoài hành lang đã bệnh còn bệnh thêm”…
Đó là nội trú, còn ngoại trú cũng chẳng sung sướng gì hơn. Mấy lần đưa ông nội đi khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM, tôi đã được “nếm mùi cay đắng”. Hôm nào hai ông cháu đi trễ (khoảng 7 giờ đã có mặt tại bệnh viện) thì ngay cả một chỗ đứng thoải mái cũng không có chứ đừng nói là kiếm được cái ghế để ngồi. Mặc dù ông tôi thuộc diện ưu tiên (người già) nhưng lần nào cũng phải mất 3-4 tiếng mới xong. Trong khoảng thời gian 3-4 tiếng này, chỉ có 5-10 phút là sử dụng cho việc khám bệnh, còn lại là ngồi chờ. Nào là chờ lấy số, chờ tới lượt khám, khám xong thì chờ lấy thuốc…
Nhiều lãnh đạo bệnh viện “hứa”, sau khi thu viện phí giá cao sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như thay đổi thái độ phục vụ, vệ sinh khoa phòng, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất. Vậy tại sao các bệnh viện không làm việc này trước rồi hãy thu viện phí mới? Bởi vì các bệnh viện đang bán “sản phẩm”, “sản phẩm” có tốt thì mới bán giá cao được chứ…
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)