Tòa soạnThư đi – tin lại

Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh phải… chờ

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân chờ khám chữa bệnh tại một BV đa khoa ở Hà Nội. Ảnh: V.V

“Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng hay không thì phải chờ đợi và đánh giá thêm, chúng tôi cũng không dám chắc có tăng hay không”. Đây là khẳng định của ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng trong cuộc tọa đàm “ĐIều chỉnh viện phí – chất lượng khám chữa bệnh sẽ ra sao” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Sẽ còn tăng nữa

Tăng viện phí đợt này, theo ông Tuấn dự đoán trong tương lai sẽ còn điều chỉnh tăng nữa. Tuy nhiên, để chờ đợi sự thay đổi rõ rệt trong vấn đề chất lượng dịch vụ y tế thì ông cho rằng nó vượt quá thực tế hiện nay. Bởi nền y tế của nước ta có rất nhiều vấn đề, còn phải điều chỉnh về cấu trúc, chức năng, phạm vi hoạt động của các loại hình cơ sở y tế (công – tư) của chất lượng nhân sự, cách làm việc cũng phải được điều chỉnh, rồi trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm…

“Tôi tin rằng sự điều chỉnh này sẽ tăng nguồn thu thêm, nhưng tôi cho rằng không được bao nhiêu vì Nhà nước đang có xu hướng cắt ngân sách, chuyển sang vai trò của bảo hiểm y tế (BHYT) chịu trách nhiệm, nên chưa chắc đã tăng được bao nhiêu cho ngành y tế để chúng ta chờ đợi sự thay đổi, tăng chất lượng dịch vụ y tế” – ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế – thì khẳng định rằng điều quan trọng nhất của đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này, khi tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế thì thay đổi cơ bản nhận thức của cán bộ y tế và các bệnh viện (BV), khi cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và người dân trả tiền lương cho mình thì bắt buộc phải làm tốt mới có bệnh nhân, có nguồn trả lương và BV mới tồn tại được.

Cụ thể mức tăng giá các dịch vụ y tế trong đợt điều chỉnh lần này sẽ tăng như thế nào, ông Nguyễn Nam Liên cho biết lộ trình sẽ chia làm hai giai đoạn, từ nay đến cuối năm 2015 trước mắt là tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế. Quý I/2016 sẽ tính tiền lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ y tế. “Từ nay đến cuối năm 2015 mức tăng không nhiều, về cơ bản tiền khám bệnh không tăng. Đối với tiền ngày giường bệnh tính phụ cấp trực 24/24 của cán bộ y tế vào thì theo tính toán đối với BV hạng I, hạng đặc biệt tăng khoảng 19.000 đồng/ngày giường/ngày điều trị; đối với BV hạng II tăng khoảng 15.000 đồng và đối với BV hạng III khoảng 11.000 đồng. Đối với các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt, có nhiều bác sĩ tham gia như phẫu thuật tim, ghép tạng, thay khớp gối, khớp háng… thì mức tăng trên 1 triệu đến 1,4 triệu đồng là cao nhất. Còn các thủ thuật khác, có dịch vụ chỉ tăng vài ngàn đồng, có những dịch vụ không phải phẫu thuật, thủ thuật thì từ nay đến cuối năm chưa tăng”.

Người có thẻ BHYT được lợi?

Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, dù tăng viện phí thế nào thì người dân vẫn được lợi “điều chỉnh 1.800 giá dịch vụ y tế cơ bản, kể cả bổ sung vào giá nào thì người có thẻ BHYT có lợi giá đó vì không quy định giá thì BHYT không có cơ sở để chi trả, nên người bệnh phải bỏ tiền túi để chi trả dịch vụ này”.

Ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam – cho biết, khi giá dịch vụ y tế tăng hướng tới tính đúng, tính đủ, BHXH Việt Nam sẽ chỉ ký hợp đồng chi trả cho người bệnh có thẻ BHYT với những cơ sở khám chữa bệnh chất lượng (không phân biệt BV công hay tư). Đây có thể coi là một bước tạo sự công bằng cũng như cạnh tranh giữa các BV công và tư, từ đó làm tăng quyền lựa chọn cho người bệnh. “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này cao hơn bao nhiêu lần không quan trọng vì thực tế sẽ trả lời. Nhưng người dân cứ yên tâm, chúng tôi khẳng định là quỹ BHYT sẽ chi trả phần đó và đã có bước đi thận trọng làm sao tránh được ảnh hưởng cho người dân chịu tác động của tăng giá lần này”.

Về vấn đề quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến trên sẽ tăng khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, do giá khám bệnh tại các hạng BV sẽ xấp xỉ nhau, từ 30.000 đồng BV hạng 4 so với 39.000 đồng BV hạng 1 và đặc biệt, theo ông Trần Tuấn thì, dù điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tình trạng quá tải vẫn không tác động được bao nhiêu. “Chừng nào chưa giải quyết được vấn đề chất lượng y tế ở tuyến dưới, đảm bảo tạo lòng tin cho người dân, thì tình trạng quá tải ở tuyến trên vẫn xảy ra. Còn điều chỉnh giá chỉ là phần nhỏ, nhất là trong thời gian này” – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng Trần Tuấn khẳng định.

Yến Hoa

Bình luận (0)