Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viện Toán kiến nghị sửa đổi tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư

Tạp Chí Giáo Dục

Viện Toán học đã gửi Bộ GD-ĐT, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước bản góp ý dự thảo quy định tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư, với nội dung kiến nghị bỏ các tiêu chuẩn xa lạ với thông lệ quốc tế.

Tại lễ công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2015 /// Ảnh Ngọc Thắng

Tại lễ công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2015-Ảnh Ngọc Thắng

Tách riêng nhóm ngành khoa học tự nhiên
Trong bản góp ý, hội đồng khoa học của Viện toán học – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ đánh giá điểm mới nhất trong dự thảo Quy định tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến là việc phân chia nhóm ngành khoa học, từ đó tạo cơ sở đưa ra yêu cầu mới về các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, mà đặc biệt là các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. Đây là nội dung tích cực của dự thảo, cần được duy trì và cải tiến tiếp.
Tuy nhiên, đối với ngành khoa học tự nhiên thì vẫn còn những điểm khác thường so với thông lệ quốc tế, đã được ban hành trong các bản quyết định từ trước tới nay, và vẫn tồn tại trong dự thảo này. Khoa học tự nhiên của Việt Nam đã tiếp cận được khá gần với trình độ quốc tế, trong đó có một số ngành đã đạt trình độ quốc tế. Vì vậy, các tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư của nhóm ngành này không thể quá thấp. Để những đòi hỏi cao về công bố quốc tế đối với nhóm ngành này không làm ảnh hưởng tới các nhóm ngành khác, đồng thời bỏ được các tiêu chuẩn xa lạ so với thông lệ quốc tế trong hướng khoa học này, thì cần phải tách khoa học tự nhiên ra thành một nhóm ngành riêng.
Không tạo môi trường gia tăng sách kém
Theo Viện toán học, việc từ năm 2001 đến nay, tiêu chuẩn viết sách được đưa vào như một thước đo (bắt buộc) trình độ khoa học của ứng viên và tưởng như đó là một yêu cầu cao về chất lượng ứng viên mà quên rằng việc viết sách liên quan tới hoạt động xuất bản, trong khi đặc thù quan trọng nhất của các nhà xuất bản là lợi nhuận. Vì thế, không ai ngăn cản được việc NXB in sách có chất lượng khoa học kém khi mà nó không vi phạm các luật bản quyền, tiêu chí chính trị, thẩm mỹ…
Theo đó, tác giả có thể in sách bằng chính tiền của mình. Vì thế đòi hỏi ứng viên viết sách chỉ gây thêm phiền hà, mà lại tạo điều kiện thúc đẩy gia tăng số đầu sách kém chất lượng, đó là chưa kể nguy cơ nhiều sinh viên bị bắt ép học theo các giáo trình chất lượng kém do giảng viên của mình tự viết. Bản góp ý nhấn manh: “Khó mà tìm được nơi nào trên thế giới lấy việc viết sách làm tiêu chí để đánh giá năng lực của các nhà khoa học trong nhóm ngành khoa học tự nhiên”.
Quan điểm của Viện toán học là nên xem sách tốt cũng chỉ là một công trình khoa học, chứ không nên phân biệt sách hay bài báo. Còn một khi đã đòi hỏi phải có đầu sách thì cần yêu cầu sách đó phải được NXB quốc tế có uy tín xuất bản, nếu không thì tiêu chuẩn này sẽ trở nên bất công ghê gớm so với tiêu chuẩn phải có bài báo khoa học ISI. “Rõ ràng ai cũng thấy yêu cầu sách xuất bản quốc tế là không khả thi, vì như vậy chẳng mấy người ở Việt Nam có thể được phong giáo sư. Viện Toán học cũng không đề xuất yêu cầu sách xuất bản quốc tế, đơn giản chỉ vì thông lệ quốc tế chẳng ai yêu cầu người xin ghế giáo sư toán học phải có sách”, bản góp ý viết.
Nhiều tiêu chuẩn trái thông lệ quốc tế
Viện Toán học cho rằng một yêu cầu trái với thông lệ quốc tế khác là bắt buộc ứng viên phó giáo sư, giáo sư phải hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh hay thạc sĩ. Trên thế giới, người ta xem việc được hướng dẫn nghiên cứu sinh là một quyền của người được phong học hàm (và quyền lợi tinh thần chứ không phải quyền lợi vật chất), do vậy đại đa số các trường trên các nước khoa học tiên tiến không bao giờ đưa đòi hỏi đã hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh làm tiêu chuẩn.
Trong mọi trường hợp, thước đo trình độ của một nhà khoa học phải là các công bố của họ, chứ không thể là công lao đào tạo. Viện toán kiến nghị: “Công lao đào tạo có thể xem là phần thưởng, được qui ra điểm, nhưng không nên xem là bắt buộc”.
Không chỉ trái thông lệ quốc tế, yêu cầu bắt buộc phải hướng dẫn thành công thạc sĩ, tiến sĩ còn có thể dẫn đến tình trạng đào tạo non, chẳng hạn cho trò đứng tên cùng cho nhanh được bảo vệ, hoặc cho trò bảo vệ khi nội dung luận án chưa thật tốt. Thậm chí, kể cả khi có được nghiên cứu sinh giỏi, mà khi không bị áp lực cho “ra lò” sớm, thì người hướng dẫn có thể yêu cầu nghiên cứu sinh đó nghiên cứu vấn đề khó hơn, hoặc làm tốt hơn kết quả đã có. Theo hướng đó, sẽ có lợi cho trò và khoa học hơn.
Một quy định trái thông lệ quốc tế khác là qui định phó giáo sư, giáo sư phải có thời gian đào tạo tại cơ sở đào tạo trong nước liên tục ba năm cuối (cho đến thời điểm đề nghị công nhận phó giáo sư, giáo sư). Đây là một quy định không những không cần thiết mà còn vô lí. Yêu cầu này gây khó khăn cho những người đang ở nước ngoài, hay có thời gian công tác dài ở nước ngoài trở về. Trong khi đó, chỉ có những người thực sự giỏi mới được nước ngoài mời đến cộng tác nghiên cứu, thời gian cộng tác càng dài, có nghĩa là người đó càng giỏi.
Tiêu chuẩn này còn là rào cản trong việc thu hút người giỏi tham gia công tác đào tạo. Chẳng hạn những người trẻ mà giỏi sẽ phải đắn đo quyết định có trở về nước làm việc không (khi phải chờ tới 3 năm sau mới được “chính danh” – PV), hoặc đắn đo có nhận lời mời (ít khi có được) sang nước ngoài một thời gian làm việc để nâng cao trình độ. Đó là chưa kể, ngay ở trong nước, có thể có những nhà khoa học rất giỏi nhưng hoạt động ở môi trường khác (kinh doanh, quản lí), vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy, nhưng vì công việc chính của mình nên không thể liên tục. Khi họ muốn chuyển sang làm công tác đào tạo thì phải chờ ba năm, mới hy vọng đăng kí giáo sư, phó giáo sư, và vì thế mà họ sẽ phải cân nhắc.
Nâng cao tiêu chuẩn phó giáo sư, giáo sư
Theo Viện toán, tiêu chuẩn về số lượng bài báo quốc tế dù đã được nâng lên so với quy định hiện hành trong dự thảo quy định mới nhưng vẫn là quá thấp so với trình độ phát triển của nhóm ngành khoa học tự nhiên nước nhà. Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đã yêu cầu người bảo vệ luận án tiến sĩ trong nhóm ngành khoa học tự nhiên phải có 1-2 bài báo ISI. Mà phó giáo sư, giáo sư lại là thầy của tiến sĩ, nên yêu cầu đối với họ phải gấp đôi yêu cầu đối với ứng viên làm tiến sĩ mới hợp lý. Theo đó, tiêu chuẩn phó giáo sư nên nâng lên thành ít nhất 4 bài ISI, và yêu cầu giáo sư ít nhất phải có 8 bài ISI thì cũng không có gì là quá đáng. Tất nhiên cũng không nên quá khích bằng cách nâng cao hơn nữa số bài, vì thông tin về số lượng chỉ mang tính tham khảo, còn chất lượng mới mang tính quyết định. Chạy đua về số lượng đương nhiên làm ảnh hưởng đến chất lượng. Vì thế đối với những tài năng xuất chúng mà chỉ có ít công trình có thể xét các tiêu chuẩn khác.

Quý Hiên (TNO)

Bình luận (0)