Đến An Giang, một số khách tham quan, du khảo… còn hầu hết khách vì mục đích tín ngưỡng bởi từ xưa, người dân đã coi núi Sam và vùng Bảy Núi là vùng địa linh, đất Phật.
Du khách tham quan hồ Thủy Liêm và chùa Phật Lớn – núi Cấm – Ảnh: H.Vũ |
Tại núi Sam, lễ hội vía Bà hằng năm thường diễn ra từ ngày 22 đến 25-4 âm lịch nhưng những năm gần đây, từ sau Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch, du khách đã bắt đầu đổ về núi Sam và núi Cấm khiến không khí phố núi ngày càng tưng bừng náo nhiệt.
Phố núi tưng bừng
Từ xa xưa, người dân địa phương đã coi núi Sam (Châu Đốc) và vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên – An Giang là một vùng địa linh, vùng đất Phật nên du khách đổ về “Thất Sơn mầu nhiệm” (1) để chiêm bái và vãn cảnh mỗi năm một nhiều.
Ban tổ chức lễ hội Văn hóa quốc gia vía Bà Chúa Xứ cho biết mỗi năm thị xã Châu Đốc thu hút gần 2 triệu lượt người đến hành hương và du lịch, nhất là từ khi các loại hình du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng phát triển, giúp ngành du lịch An Giang có nhiều ưu thế nổi bật, trong đó hấp dẫn nhất là núi Sam với nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư khá đồng bộ.
Khách hành hương viếng miếu Bà Chúa Xứ – núi Sam, Châu Đốc – Ảnh: H.Vũ |
Thông thường sau khi viếng Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, đa số du khách đều đổ về vùng Bảy Núi, lần lượt tham quan núi Cấm, núi Két, núi Cô Tô… là nơi thủy tú sơn kỳ, cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành và mát mẻ. Đặc biệt là núi Cấm, nơi Trịnh Hoài Đức đã có lần cảm khái Hang núi ngậm mây, suối cong nhã ngọc, rất xứng danh là vùng đất bửu ngọc như người đời thường gọi Tu phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi.
Không chỉ tham quan các quần thể du lịch, về Bảy Núi, khách thích tìm hiểu lịch sử còn có dịp ghé thăm hơn 50 ngôi chùa của người Khmer hoặc các chùa Phi Lai, Tam Bửu và nhà mồ Ba Chúc, nơi ghi dấu tội ác của bọn diệt chủng PônPôt. Ấn tượng nhất là đồi Tức Dụp. Kế đến là khu du lịch Xoài So ở núi Tô hoặc khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, khu căn cứ được coi là “Bản anh hùng ca vùng Bày Núi”.
Với khách nước ngoài, không chỉ choáng ngợp trước phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng, đôi khi chuyến đi cũng trở nên đặc biệt bởi tiếng xe ngựa, xe bò lốp cốp trên các đoạn đường đổ về Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc. Nơi đây mọi người còn có dịp tham quan các mô hình nuôi hươu, nai, rắn; các khu vườn trồng trầm và tận mắt chứng kiến thanh niên người dân tộc hiền lành, chất phác chuyên sống bằng nghề trèo cây lấy nước thốt nốt, mang vị ngọt đến cho mọi người.
Khách hành hương đổ bộ lên núi Cấm vào những ngày tháng 3 – Ảnh: H.Vũ |
Ở Châu Đốc và vùng bán sơn địa Bảy Núi, không những yêu thích cuộc sống chân chất, bình dị của cư dân miền núi, nhiều người còn mê các món ngon vật lạ như khô bò, lạp xưởng bò, cháo bò, thịt bò xào lá vang, gà hấp lá trúc và bánh xèo núi Cấm ăn với 12 loại rau rừng độc đáo, hương vị nồng nàn khó quên.
Ngon nhất là trái cây và rau củ trồng trên núi Cấm, núi Dài như xoài, mít, bơ, chuối, đu đủ, sầu riêng… Chưa kể đây còn là xứ sở của nhiều đặc sản nổi tiếng như đường thốt nốt, tháng 3 mùa sầu đâu, Châu Đốc vương quốc mắm…
Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực nâng cao chất lượng sinh hoạt hội hè, ẩm thực và vệ sinh môi trường đồng thời ra sức bảo tồn rừng để làm xanh hóa môi sinh. Năm 2013, ngành du lịch ước đoán lượng khách sẽ tăng lên đáng kể nên ban tổ chức lễ hội đang cố gắng nâng cấp và phát triển các khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn nhằm giữ chân khách lâu ngày.
Phố núi Châu Đốc trong mùa lễ hội – Ảnh: H.Vũ |
Tiềm năng không xa…
Nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, không chỉ các ngày lễ, ngay cả ngày thường khách hành hương cũng chen nhau đến điện thờ để cầu tài cầu lộc giữa khói hương nghi ngút. Sau khi cúng Bà, đoàn người qua viếng Tây An cổ tự và lần lượt chiêm bái các di tích khác như chùa Hang, trại Ruộng, đình Thới Sơn… những vùng đất còn ẩn chứa nhiều huyền thoại.
Những ngày này, từ trên những đỉnh cao nhìn xuống chân núi, những dòng người nối đuôi nhau giống như một con rắn khổng lồ đang cuộn mình trườn lên cao.
Từ khi lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia, ban tổ chức lễ hội đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng văn hóa lễ hội.
Cái đẹp của Bảy Núi là cái đẹp mộc mạc chân quê. Mỗi ngọn núi, mỗi ngôi chùa, mỗi phum sóc đều còn mang dấu ấn của thời kỳ khai hoang nên rất dễ làm say đắm lòng người. Từ năm 2005, UBND thị xã Châu Đốc đã đầu tư cho các công trình giao thông, thương mại và quy hoạch các khu vui chơi giải trí, phấn đấu đưa Châu Đốc lên thành một đô thị du lịch nhưng vẫn giữ được nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và đến nay đã trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ hấp dẫn của đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc sản thốt nốt mùa lễ hội – Ảnh: H.Vũ |
Hiện các tuyến đường tráng ximăng từ chân núi Cấm đến chùa Phật Lớn dành cho khách hành hương vừa leo núi vừa vãn cảnh đã khai thông.
Nay mai, khi các hạng mục công trình được hoàn chỉnh, khu du lịch núi Cấm và các trung tâm du lịch ở An Giang sẽ giữ được nét đẹp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc với công trình thiên tạo như ao, hồ, suối, hang động để các khu du lịch ở các huyện miền núi An Giang thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo nhất ở miền Tây.
HOÀI VŨ (Tuổi Trẻ)
(1) Tên cuốn sách “Thất sơn mầu nhiệm” của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu.
Bình luận (0)