Huyện Nam Đàn (Nghệ An) có nhiều di tích ghi dấu những giai đoạn mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc, với những nhân vật lớn. Theo đó, có một cụm di tích cổ xưa từ thế kỷ thứ 8 gắn liền với vua Mai Thúc Loan và sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường do ông lãnh đạo luôn thu hút giới trẻ.
Trên địa bàn thị trấn Sa Nam thuộc huyện Nam Đàn ngày nay có cả thảy 3 di tích liên quan đến vua Mai: Lăng mộ Mai Hắc Đế, đền thờ Mai Hắc Đế và lăng mộ mẹ nhà vua. Cả ba đều là di tích lịch sử cấp quốc gia và tương truyền 3 di tích này hết sức linh thiêng.
Mẹ vua Mai Thúc Loan người huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lưu lạc đến vùng rú Dẻ (xã Nam Thái ngày nay), hằng ngày kiếm củi hái rau sinh sống và sinh ra người con trai duy nhất. Khi bà mất, người con được dân làng cưu mang, lớn lên thành một thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ, trở thành Mai Hắc Đế sau này. Khu mộ của bà được xây dựng ngay trên đỉnh rú Dẻ, rất thiêng. Nhờ vậy, trải qua hàng trăm năm, khu rừng Dẻ mãi xanh tốt vì không một ai dám xâm phạm.
Di tích mẹ vua Mai – Ảnh: Trương Điện Thắng
Dưới chân núi Đụn, ngày nay thuộc xã Nam Thái vẫn còn lăng mộ Mai Hắc Đế, đây được coi là thành lũy của kinh đô Vạn An dưới triều đại Mai Thúc Loan. Từ Vạn An, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đường từ thế kỷ thứ 8 đã lôi cuốn sự tham gia của nhân dân cả nước. Khu mộ ông nay được trùng tu nằm sau các công trình kiến trúc cổ uy nghi thờ các tướng sĩ và làm nơi cho khách vãng lai đến viếng vào những ngày lễ lớn.
Đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái Sơn, trước thuộc làng Hương Lãm, tổng Nộn Liễu, nay là thị trấn Sa Nam. Đây là ngôi đền cổ uy nghi và nổi tiếng linh thiêng mà ngày xưa được coi là tổng hành dinh cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Khi vua xưng đế, lập quốc hiệu Vạn An thì nơi đây được coi là quốc đô. Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan diễn ra từ năm 713 đến 813 đã đánh đuổi được quân nhà Đường tàn bạo xâm chiếm nước ta, bóc lột dân nghèo… Cả vua Mai, hai phu nhân Đinh Thị Tô Ngọc và Phạm Thị Uyển, các hoàng tử Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn, Mai Thiếu Đế cùng các thân tướng đã lần lượt hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến ngày xưa đều được thờ tự trang nghiêm tại đây. Đền thờ được trùng tu lần mới nhất vào năm 2005, gồm 3 phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến, Trung điện thờ các thân tướng, nghĩa liệt của vua; Hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ nhiều hiện vật còn lại từ xưa như long ngai, bài vị, câu đối. Trong đó có câu đối nổi tiếng liên quan đến lòng dân ngày ấy:
Một dạ như cha con cầm tay mà đánh giặc
Ngàn năm tựa vua tôi, sát cánh để lên trời
Hằng năm tại đền thờ vua Mai Thúc Loan, ngoài các lễ hội đầu năm còn có các ngày giỗ mẹ vua, các hoàng hậu vào tháng 7 và ngày giỗ vua vào ngày 16.9 thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và nhiều du khách.
Viếng cụm di tích vua Mai Thúc Loan vào những ngày này, ôn lại cuộc khởi nghĩa anh dũng của ông, mà điểm nổi bật là đã huy động một lực lượng dân nghèo từ khắp vùng Hoan Diễn đến Điểu Yêu (Hải Phòng), Đường Lâm, Tống Bình (Hà Nội ngày nay) đứng lên chống quân xâm lược phương Bắc, càng hiểu hơn giá trị của sức mạnh toàn dân trước họa xâm lăng.
Trương Điện Thắng (TNO)
Bình luận (0)