Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Viết cho người dấu yêu

Tạp Chí Giáo Dục

Trung thu nhớ mẹ…

Trẻ em nghèo vui Trung thu. Ảnh: B.M.H

Mỗi năm, trước Trung thu khoảng vài ngày, tôi thường dẫn bé My (con gái tôi) đi mua bánh trung thu và đèn lồng, lòng cảm thấy rất vui. Ngồi xẻ những chiếc bánh trung thu đắt tiền ra cúng, rồi nhìn con gái xách lồng đèn đi chơi cùng chúng bạn, tôi bồi hồi nhớ lại những mùa Trung thu tuổi thơ của mình.
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Cần Thơ. Ngày ấy gia đình tôi nghèo lắm, mẹ tôi bán chanh ớt trước nhà chỉ đủ chạy cơm từng bữa. Chuyện được ăn quà bánh hay có những món đồ chơi đối với tôi là một thứ “xa xỉ phẩm”.
Năm tôi 8 tuổi. Trung thu, được mẹ dẫn ra chợ, nhìn thấy những chiếc bánh trung thu màu nâu bóng bẩy tôi thèm đến chảy nước miếng nhưng biết mẹ không có tiền nên chẳng dám đòi mua. Mẹ tôi biết được nên đã an ủi tôi và hứa đúng vào đêm Trung thu sẽ mua bánh đãi cả nhà. Tôi mừng lắm, buổi sáng đi học mà lòng cứ nôn nao. Vừa về đến nhà, tôi đã chạy ngay vào hỏi mẹ, mẹ lại tiếp tục bảo tôi chờ đến tối. Ngày hôm ấy, thúng chanh ớt của mẹ bán không hết, tiền lời chẳng được bao nhiêu nhưng mẹ cũng ra quán nhỏ đầu xóm mua một bịch bánh trung thu năm cái mang về. Tôi nhìn những chiếc bánh nhỏ bằng ba ngón tay mà lắc đầu quầy quậy: “Con không ăn bánh nhỏ như vầy đâu, con muốn ăn bánh lớn như bán ngoài chợ đó”. Mẹ ôm tôi vào lòng dỗ dành: “Mẹ chỉ đủ tiền mua bánh này thôi, năm sau nhất định mẹ sẽ mua bánh lớn cho con”. Lần đó mẹ đã khóc. Nhưng rồi tôi cũng ăn bánh ngon lành, sau đó cùng với bọn con nít trong xóm chạy đi bắt đom đóm bỏ vào bọc nilông làm lồng đèn đi rước ông trăng…
Mẹ tôi mất cũng vào mùa Trung thu cách nay đã hơn 10 năm. Và cũng ngần ấy thời gian tôi đón Trung thu thiếu vắng mẹ.
Tôi thường kể cho con gái nghe câu chuyện Sự tích “Đèn kéo quân” mà những mùa Trung thu tuổi thơ mẹ đã kể cho tôi nghe. Chuyện rằng: Ngày xưa đến Tết Trung thu, theo lệnh vua, dân chúng nô nức chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm vua ưng ý. Bấy giờ, có một anh nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất là hiếu thảo. Một đêm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu bạc phơ hiện ra phán rằng: Ta là Thái Thượng Lão Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng hiếu thảo với mẹ. Ta sẽ dạy nhà ngươi làm lồng đèn dâng vua. Theo lời dặn của thần, Lục Đức đã lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu làm chiếc đèn. Khi làm xong thì ngày rằm tháng tám cũng đến, Lục Đức vui mừng cùng mẹ mang đèn đến dâng vua. Nhà vua xem, thấy đèn vừa lạ, vừa nhiều sắc màu nên rất hài lòng và đã ban thưởng cho mẹ con của anh ta. Từ đó mỗi năm đến mùa Trung thu, người ta nhớ đến sự tích người con hiếu thảo Lục Đức nên đã đua nhau làm những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là “Đèn kéo quân”… Mẹ bảo cũng từ câu chuyện này mà bây giờ, vào dịp Tết Trung thu, trẻ em mới có được bài hát Rước Đèn Tháng Tám một cách vui tươi : “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu”. Mỗi lần kể lại câu chuyện này, tôi lại thấy nghèn nghẹn vì nhớ mẹ vô cùng.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không bao giờ quên được những mùa Trung thu của tuổi thơ cơ cực. Cuộc sống của tôi bây giờ đã khá hơn, tôi cố gắng lo cho con gái của mình như để bù lại cho tuổi thơ thiếu thốn ngày nào. Nhưng bây giờ, bánh trung thu một bịch năm cái nhỏ bằng ba ngón tay không còn ai bán nữa, với tôi có lẽ sẽ không có chiếc bánh trung thu nào ngon bằng những chiếc bánh ấy…
BÙI MINH HOÀNG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)