Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Viết cổ tích trên đỉnh Sa Mù

Tạp Chí Giáo Dục

Tặng bò cho bà con Vân Kiều ở Bắc Hướng Hóa phát triển kinh tế

5 xã nằm về phía Bắc huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) những năm sau cuộc trường chinh chống Mỹ được mệnh danh là “vùng đất chết”. Nhưng như có phép mầu, hơn 10 năm trở lại đây, từ khi có các cán bộ chiến sĩ Đoàn KTQP 337 chung sức, chung lòng với đồng bào trên từng nẻo đường xây dựng quê hương, trong mỗi buồn vui của sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, đuổi giặc dốt, mảnh đất hoang hóa này đã trở thành những cánh đồng phù sa màu mỡ, công cuộc phát triển kinh tế mũi nhọn đa cây, đa con được chú trọng. Bản làng đã thay áo mới!
Từ chuyện đuổi giặc đói
“Cách nay hơn chục năm về trước, vùng đất Bắc Hướng Hóa này toàn rừng núi hoang vu. Nhìn đâu cũng thấy cây rừng và cỏ dại. Cái nghèo hiện hữu khắp nơi. Nói tới mảnh đất này, người ta rùng mình nghĩ đến một vùng đất ác liệt trong chiến tranh. Là cửa tử trên con đường gùi lương tải đạn đi giải phóng đất nước…”, bà Hồ Thị Oi – người dân Vân Kiều từng tham gia chiến đấu ở cung đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ – dẫn chúng tôi đi giữa một màu xanh bát ngát của cà phê, hồ hởi nói. Mảnh đất Bắc Hướng Hóa sau chiến tranh rộng hàng ngàn hécta. Rừng già bị bom đạn cày xới trơ trụi. Hố bom, núi đá, những nếp nhà chênh vênh giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Ngày ấy, bản làng nghèo lắm. Cuộc sống chủ yếu nhờ vào cây lúa rẫy, săn bắt con thú trên núi… một cuộc sống chênh vênh đúng nghĩa. Cứ tưởng rằng, sự nghèo khó ấy khó bề khỏa lấp nổi, thế nhưng… Cách đây hơn 10 năm về trước, những người lính quân hàm xanh thuộc Đoàn KTQP 337 đặt chân đến mảnh đất này, trăn trở tìm hướng đi phát triển kinh tế cho bà con. Đuổi giặc đói là một cuộc chiến đầy cam go. Từ con số không to tướng: Không đường giao thông, không điện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thiếu đủ thứ… Trong khi nhiều hủ tục vẫn tồn tại như một thứ rào cản cho sự phát triển văn minh. Vừa tuyên truyền, vận động vừa bắt tay thực hành trước! Đó là phương châm của những chiến sĩ Đoàn KTQP 337. Ban đầu nghi ngại, đến khi thấy kết quả bà con mới tin. Một khi đã tin, không ngần ngại bà con xắn tay vào làm. “Nhờ có bộ đội dạy cho cách trồng, chăm sóc cây cà phê, rồi còn hỗ trợ gia đình mình cây giống và phân bón mà bây giờ vợ chồng biết cách làm ăn. Nhà mình đã thoát nghèo, có cái ăn, cái để dành và các con cũng được đi học rồi. Mình vui cái bụng lắm!”, đi giữa hai hàng cà phê catimor trĩu quả, chị Hồ Thị Xoong ở xã Hướng Việt vui mừng cho biết. Còn ông Hồ Thảo Khăm, ở thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) chỉ tay về cánh đồng lúa nước xanh rì: “Từ ngày bà con dân bản được các chiến sĩ Đoàn KTQP 337 làm cho cái thủy lợi, bày cho cách khai hoang, trồng cây lúa nước, cuộc sống đổi thay hẳn. Cả đời bố có nằm mơ cũng chưa hề nghĩ tới lúc nhà mình đủ lúa gạo ăn quanh năm!”. Đó chỉ là hai trong số nhiều hộ dân ở các xã Bắc Hướng Hóa đang từng ngày đổi thay. Đã qua rồi cái thời người dân nơi đây lũ lượt kéo nhau lên núi “phát, cốt, đốt, trỉa”, để rồi đợi suốt nửa năm thu hoạch chỉ đủ ăn vài ba tháng. Giờ đây, người Vân Kiều đã tự tìm thấy lối đi ngay dưới chân mình. Và sau 10 năm, đã có sự chuyển đổi nhận thức từ phong tục canh tác lạc hậu manh mún tự phát trở thành phát triển tập trung và có mũi nhọn.
Đến chuyện xua giặc dốt
Phát triển giáo dục bao giờ cũng là sự phát triển bền vững nhất. Những ngôi trường mầm non lần lượt được mọc lên dưới sự giúp sức của các chiến sĩ Đoàn KTQP. Khi cuộc sống không còn nặng gánh nỗi lo thiếu đói, người dân quan tâm hơn đến tương lai của con trẻ. Ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, năm học 2013-2014, tỷ lệ trẻ đến trường trên toàn huyện đạt 100%, trong đó phải kể tới nỗ lực xóa trường lớp tạm của Đoàn KTQP 337.
Đến với bản Ma Lai (xã Hướng Lập), nơi từng được ví là túi bom thời đánh Mỹ, bà con đầu thôn cuối xóm đều truyền tai nhau câu chuyện cổ tích thật cảm động. Đó là chuyện bộ đội Đoàn KTQP 337 đã cưu mang ba đứa trẻ bất hạnh mồ côi không nơi nương tựa. “Nếu không có các anh chắc hẳn những đứa trẻ này cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thậm chí đói khát, bơ vơ giữa bốn bề rừng núi nói chi đến chuyện được học hành, có nhà cửa khang trang để ở”, một cụ già đi ngược đường vừa chỉ nhà cho chúng tôi, vừa nói. Tai họa ập đến gia đình bé nhỏ của em Hồ Thị Huệ (16 tuổi), Hồ Văn Hưng (13 tuổi) và Hồ Văn Dưng (9 tuổi) cách đây hơn 5 năm về trước khi cả ông nội rồi tiếp đến bố mẹ và người bác ruột của ba em lần lượt qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Ba đứa trẻ như cây rừng mới nhú chơ vơ tứ tán mỗi đứa mỗi nơi nương tựa họ hàng. Nhưng rồi định mệnh vẫn chưa chịu buông tha, người chú ruột giang tay cưu mang Huệ cũng bỗng dưng lâm bệnh qua đời. Lời đồn ba đứa trẻ là con ma lai truyền tai nhau khắp núi rừng. Ai thấy các em cũng tránh né. Họ sợ con ma bắt phạt. Ba đứa trẻ mồ côi trở thành hiểm họa ma ám trong mắt người dân buôn làng. Thương các em, các chiến sĩ Đội sản xuất 3, thuộc Đoàn KTQP 337 đề nghị chính quyền và thuyết phục họ hàng để đưa các em về chăm sóc. Mỗi chiến sĩ trích một ngày lương xây tặng các em mái nhà mới khang trang, các em được trở lại trường học chữ. “Nếu không có các chú bộ đội, bây giờ ba chị em không biết ra sao”, Huệ bộc bạch.
Chia tay các chiến sĩ Đoàn 337, xe chúng tôi bon bon trên con đường núi ngoằn ngoèo vượt qua bao đồi dốc với bạt ngàn màu xanh mát rượi, tiếng trẻ đọc bài vang vang núi rừng. Những bản làng với nếp nhà sàn vững chãi. Cái đói nghèo, mù chữ đã lùi vào dĩ vãng. Ngắm nhìn những khuôn mặt người dân giãn ra hân hoan mới thấm thía hết cái tình của những người lính mang quân hàm xanh đã không quản ngại khó khăn cùng đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn tự tin vững bước trong hành trình xây dựng cuộc sống hạnh phúc!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)