Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Việt Nam – Ấn Độ ký 6 văn kiện hợp tác

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đến Ấn Độ, Chủ tịch và Thủ tướng Manmohan Singh đã chứng kiến lễ ký kết 6 văn kiện hợp tác gồm hiệp định về dẫn độ tội phạm, bản ghi nhớ về Năm hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ 2012, hợp tác nông nghiệp, thoả thuận hợp tác về dầu khí, Nghị định thư về hợp tác văn hoá, chương trình trao đổi văn hoá giai đoạn 2011 – 2014.

Sáng 12.10, tại Phủ Tổng thống Ấn Độ, lễ đón chính thức Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân đã được tổ chức với nghi thức trọng thể. Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil và phu quân, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cùng lãnh đạo các bộ, ngành của Cộng hòa Ấn Độ đã nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân.

Phát biểu trước đông đảo các phóng viên quốc tế, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược với Ấn Độ; thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Sau lễ đón, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã hội kiến Thủ tướng Manmohan Singh. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, việc phát triển quan hệ hai nước là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.

Hai bên nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và các cấp; tăng cường và mở rộng nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các trụ cột chính là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực; nhất trí tăng cường phát triển hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Hai nước nhất trí phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỉ USD vào năm 2015.

 

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại biển Đông. Hai bên nhất trí rằng, các tranh chấp ở biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế – trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói: “Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng biển. Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là cần đảm bảo an toàn, an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng và chúng tôi nhất trí tăng cường chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực này”.

Trước cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna đã đến chào Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M.Krishna khẳng định, hai bộ Ngoại giao sẽ tăng cường trao đổi tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình khu vực và quốc tế thông qua các chuyến thăm, cơ chế hợp tác giữa hai bộ Ngoại giao và hoạt động ngoại giao cụ thể, kể cả hoạt động của đại sứ quán hai nước, vì một nền hoà bình ổn định tại khu vực cũng như trên thế giới.

Chiều tối 11.10, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có buổi gặp lãnh đạo Hiệp hội các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) và lãnh đạo 13 tập đoàn hoặc công ty lớn của Ấn Độ. Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Trương Tấn Sang hứa sẽ thúc đẩy việc lập đường bay thẳng giữa hai nước, xem xét cấp thị thực 1 năm cho các doanh nhân; khẳng định hoan nghênh các doanh nghiệp bạn tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực y tế, hạ tầng cơ sở, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… ở Việt Nam. Chủ tịch kêu gọi doanh nghiệp hai nước nỗ lực phấn đấu và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm đưa quan hệ kinh tế-thương mại song phương lên tầm tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tuyên bố chung Việt Nam – Ấn Độ cho biết: “Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược, tăng thêm các chương trình, dự án cụ thể và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, có tính đến tình hình kinh tế và chính trị đang thay đổi cả ở khu vực và quốc tế.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, nông-ngư nghiệp, thuỷ sản…; đồng thời phấn đấu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như khoa học-công nghệ cao, tư pháp, y tế, thông tin-truyền thông, du lịch, thể thao, báo chí…
Hai bên hài lòng với việc thành lập Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Ấn, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực cao cấp về công nghệ thông tin và truyền thông (ARC-ICT) và Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây-Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh việc Ấn Độ tuyên bố thành lập Trung tâm Văn hóa ở Hà Nội.

Phía Việt Nam khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với chính sách hướng đông của Ấn Độ và việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN.
Hai bên nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực tăng cường năng lực, giúp đỡ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc chống cướp biển, ngăn chặn ô nhiễm và tìm kiếm cứu hộ… trên biển”.

V.N (Theo TTXVN, VOV)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)