Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Việt Nam cần đào tạo 100.000 tiến sĩ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lần trao đổi “dài hơi” này với chúng tôi, GS. Phạm Phụ thỉnh thoảng vẫn cứ nhắc lại: “Tôi e rằng một số ý kiến của tôi ở đây có thể sẽ thuộc loại thiểu số. Nhưng với chiến lược giáo dục, phải chăng cần có nhiều ý kiến khác biệt để tranh luận, trước khi có thể đi đến quyết định và đồng thuận?”

Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trao đổi với chủ đề "Về chiến lược giáo dục 2009-2020: Giáo dục: Hiệu quả, chất lượng và công bằng xã hội". Mong nhận được ý kiến tranh luận của độc giả.
Bài 1: THỬ LÀM VÀI THAO TÁC TÍNH TOÁN VỀ CON SỐ TIẾN SĨ
CHẤT LƯỢNG CHIẾN LƯỢC: CẢI THIỆN KHÔNG ĐÁNG KỂ
GS Phạm Phụ: Trong dự thảo chiến lược, chưa thấy các “quan điểm chỉ đạo” cũng như các giải pháp cho nhiều vấn đề đang rất gay cấn.
GS đã đọc dự thảo mới nhất, dự thảo lần thứ 14, về Chiến lược phát triển GD Việt Nam 2009–2020?
– Tôi có đọc các Dự thảo lần thứ 3, tháng 4/2008 và lần thứ 6, tháng 6/2008.
Trên bìa Dự thảo lần thứ 6, lúc ấy còn ghi là “Tài liệu lưu hành nội bộ, không phổ biến”. Còn dự thảo lần thứ 14, tôi đọc qua VietNamNet. Rất mừng là Dự thảo lần này đã được đưa lên mạng để lấy ý kiến đóng góp. Đây là một điểm mới, không như lần xây dựng Chiến lược GD 2001–2010.
Tuy nhiên, cũng xin lưu ý, quyết sách trong GD tuy đan xen nhau nhưng cũng có thể phân thành 2 nhóm.
Thứ nhất là vài ba quyết sách có tính chính trị, nhóm này cần lấy ý kiến rộng rãi. Thứ hai là các quyết sách có tính chuyên gia, ra quyết định ở đây không là kiểu “phổ thông đầu phiếu”, mà GD lại là việc có vẻ rất quen thuộc đối với tất cả. Vì vậy, coi chừng lâm vào cảnh “đẽo cày giữa đường”.
– GS có thấy rõ những bước cải thiện chất lượng của Chiến lược lần này so với Chiến lược GD 2001-2010?
– Chiến lược được soạn thảo đã trên 1 năm, có đến 27 nhóm nghiên cứu chuyên đề, đã qua 13 lần chỉnh sửa, có cả chuyên gia tư vấn quốc tế v.v…nghĩa là Chiến lược đã được soạn thảo khá công phu.
Nhưng xin nói thực lòng, chất lượng của Chiến lược đã không cải thiện được mấy. Và còn có thể nói, cung cách xây dựng, cấu trúc của nội dung và cả ngôn ngữ, về cơ bản vẫn là của Chiến lược GD 2001-2010, một cung cách và cấu trúc đã tồn tại nhiều chục năm trước đây. Đúng như Ngân hàng Thế giới đã có nhận xét chung cho lĩnh vực GD: “GD là bảo thủ bẩm sinh”.
Trong khi đó, thiết nghĩ, đổi mới cách xây dựng Chiến lược là việc cần đổi mới đầu tiên, cũng không phải tốn kém thêm, có thể còn tiết kiệm hơn.
– Được biết, GS đã từng góp ý cho Dự thảo…?
– Khoảng tháng 4/2008, tôi có được nghe báo cáo Dự thảo lần thứ 3 trong một hội thảo hẹp. Ngay trong hội thảo, và sau đó là một ngày làm việc riêng với một số thành viên của nhóm soạn thảo, tôi đã góp ý 3 nội dung.
Thứ nhất là cách xây dựng chiến lược. Thứ hai là các mục tiêu và các con số có tính mục tiêu, thiết nghĩ là không khả thi. Và, thứ ba là chưa thấy các “quan điểm chỉ đạo” cũng như các giải pháp cho nhiều vấn đề đang rất gay cấn.
– Vừa qua cũng đã có nhiều người lo ngại đến tính khả thi của Chiến lược, dàn trải quá, hoặc như chuyện ĐH đạt “đẳng cấp quốc tế”, các chỉ tiêu về tiến sĩ (TS)…
– Chiến lược có một phạm vi rộng, liên quan đến cả xã hội, lại rất phức tạp vì còn đụng đến những quan điểm phát triển GD, có thể đang còn có nhiều tranh luận. Chúng ta sẽ nói đến sau.
Bây giờ nói đến tính khả thi của Chiến lược, trước hết ta hãy thử làm một vài thao tác cộng trừ nhân chia về các con số TS có tính chỉ tiêu cần đạt, được ghi ở phần giải pháp. Và khoan nói đến các vấn đề: mục tiêu của đào tạo TS, chất lượng của đào tạo, cơ cấu và loại hình đào tạo, v.v…
Lý lẽ thì nhiều người đã nói, lấy một vài con số dễ nói rõ hơn.
2 VẠN, 5 VẠN HAY 10 VẠN TIẾN SĨ?
Vâng, mời GS!
Dự thảo đã đưa ra mục tiêu vào năm 2020 là có 450 sinh viên (SV) trên 1 vạn dân, nghĩa là có khoảng 4,5 triệu SV vào năm đó.
Với tiêu chí 20 SV/1 thầy giáo (TG), năm 2020 sẽ phải có 225.000 TG, cao đẳng (CĐ) 50.000 và ĐH là 175.000. Dự thảo cũng nêu ra chỉ tiêu là 15% TS ở CĐ và 30% TS ở ĐH.
Như vậy phải có: 50.000 TG ở CĐ x 15% + 175.000 TG ở ĐH x 30% = 60.000 TS.
Hiện nay, cả nước có khoảng 15.000 TS. Nghĩa là, trong 12 năm đến phải đào tạo thêm 45.000 TS. Và thường thường, có khoảng 20-30% số TS của một nước không ở lại trong hệ thống GDĐH mà cũng không tham gia thỉnh giảng. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, chỉ có trên dưới 50% số TS còn ở lại trong hệ thống GDĐH. Cũng phải tính đến việc một số TS sẽ về hưu…, mặt khác tính đến một vài hiệu chỉnh giảm khác, để đạt được các tiêu chí nói trên thì ít ra ta phải đào tạo thêm khoảng 50.000 TS.  
Trong khi đó, một cơ sở GDĐH lớn có đào tạo TS như ĐHQG TP.HCM, năm 2008 cũng chỉ cho “ra lò” được 37 TS.
Cũng xin được nói thêm, năm 2008 ĐHQG TP.HCM có được 154 chỉ tiêu, chỉ có 140 thí sinh nộp đơn xin dự tuyển TS và chỉ tuyển chọn được 85. Mặt khác, tỷ lệ TS trong TG ở ĐH và CĐ cũng liên tục giảm trong suốt 6 năm qua, năm 2000 là 14,17% nhưng năm 2006 chỉ còn 10,99% (!).
Ngay con số 20.000 TS mà đã có nhiều người lo ngại, bây giờ từ Dự thảo Chiến lược GD, GS lại tính ra đến con số phải đào tạo thêm trên 50.000 TS (!).
Thế nhưng, chỉ tiêu 15%, 30% TS nói trên còn chưa là gì so với chỉ tiêu TS ở một văn bản khác.
– Xin mời GS tiếp tục…
– Trong “Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ” năm 2007 còn có nêu chỉ tiêu ít nhất 20% TS ở CĐ và trên 75% TS ở ĐH vào năm 2020.
Nếu làm vài thao tác tính toán tương tự, từ nay đến năm 2020, Việt Nam còn phải đào tạo thêm đến trên 100.000 TS kia.
Xin lưu ý, năm 2004, Mỹ có khoảng 1,09 triệu TG, hơn 17 triệu SV, tỷ lệ TS ở CĐ là khoảng 16%, ở ĐH là khoảng 63%. Như vậy, nếu đạt chỉ tiêu 20% và 75% nói trên, Việt Nam năm 2020 sẽ vượt Mỹ năm 2004 về mặt này (!).
3 CÂU HỎI CƠ BẢN
– Cũng đã có nhiều người cho rằng, chúng ta còn đang quá “lãng mạn” với nhiều chỉ tiêu, nhiều mục tiêu chiến lược khác, chứ không chỉ là con số TS. Còn ý kiến của GS?
– Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng, nói “lãng mạn”, đôi khi vẫn còn có ý nghĩa tích cực của nó. Ở đây là trách nhiệm của tổ soạn thảo. Đấy là chưa nói, liệu các mục tiêu, các giải pháp chiến lược như vậy có giải đáp được sứ mệnh của nền GD hay không.
– Vậy phải chăng, tồn tại nằm ngay từ cách xây dựng Chiến lược hay là phương pháp xây dựng Chiến lược như GS đã có nhắc đến?
–   Có thể cho rằng, thực chất của công việc xây dựng Chiến lược là việc trả lời 3 câu hỏi cơ bản: (1) Chúng ta đang ở đâu?, (2) Chúng ta muốn gì và đi đến đâu trong tương lai?, và (3) Làm như thế nào để đi đến đó?. Ban soạn thảo cũng đã diễn đạt Chiến lược trên cái nền như vậy.
Tuy nhiên có thể thấy:
Thứ nhất, với câu hỏi (1), điều cơ bản không phải là việc mô tả các thành tựu cũng như yếu kém mà là chẩn đoán cho được những “căn bệnh” của GD và so sánh với một số nước khác để xem ta đang đứng ở đâu trong cái thế giới “toàn cầu hóa” (TCH) này. Cách nói: “Chưa quán triệt quốc sách hàng đầu”, “chậm đổi mới tư duy”, “quản lý bất cập”…, thiết nghĩ, vẫn chỉ là sự mô tả. Sự phân tích và so sánh thì còn chưa thấy.
Thứ hai, với câu hỏi (2), lẽ ra việc “muốn gì” và “đi đến đâu” phải được xem xét từ 3 cái trục chính của một nền GD là: Hiệu quả, chất lượng và công bằng xã hội (CBXH). Chất lượng đã được nói đến, tuy nhiên hiệu quả và đặc biệt CBXH còn rất mờ nhạt và quá chung chung trong “các quan điểm chỉ đạo”, nhưng lại quá dàn trải trong “các mục tiêu chiến lược”. Riêng các mục tiêu kiểu như 90; 95; 98; 99%…, tổ soạn thảo hình như hoàn toàn không tính đến việc, để tăng từ 90 đến 91%, giả sử tốn thêm 1 đồng thì từ 95 đến 96% có thể ta phải tốn thêm đến 5-7 đồng.  
Còn với câu hỏi (3), “các giải pháp chiến lược” chủ yếu vẫn là, làm cái gì (?) mà chưa cho thấy được, làm như thế nào (?) để đi đến các mục tiêu cùng với các nguồn lực cơ bản để thực hiện các mục tiêu đó. Những từ ngữ như: “tăng cường đội ngũ thầy giáo”, “tăng cường đầu tư”, “nâng cao hiệu quả”, hay “có 15%, 30% TS ở CĐ, ĐH”, vv… chưa phải là cách trả lời cho câu hỏi (3).
Thứ ba, qua hội thảo tháng 4/2008, tôi được biết nhóm soạn thảo đã có sử dụng phương pháp phân tích SWOT (Strength, Weakness, Opportunity, Threat) để xây dựng các giải pháp chiến lược, nhưng qua Dự thảo 14, có thể cho rằng, có lẽ họ đã không thành công.
Thêm nữa, chiến lược còn là việc lựa chọn ưu tiên vì nguồn lực luôn có hạn. Thế nhưng, điều này cũng chưa thấy được trong Dự thảo. 
Bài 2: Đổi mới tư duy ngay từ quan điểm chỉ đạo
Hạ Anh (thực hiện)
 Theo Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)