Ngày 8/11, Hội đồng Thể thao Châu Á (OCA) sẽ chính thức công bố thành phố đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu lục Asiad 18. Hôm qua, phái đoàn của OCA đã kết thúc chuyến thị sát tại Hà Nội với những đánh giá mang lại nhiều tín hiệu vui.
Chính phủ và người dân ủng hộ
Trước khi tới Việt Nam, OCA đã tới thị sát tại thành phố Surabaya của Indonesia để kiểm tra các điều kiện của thành phố xin đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á 2019. Ngoài Hà Nội, Surabaya, còn có thành phố Dubai (Tiểu Vương quốc Ả rập) và Đài Loan (Trung Quốc) là 4 thành phố và vùng lãnh thổ đang chạy đua quyết liệt quyền đăng cai Asiad 2019. Phái đoàn thị sát của OCA sẽ tiến hành xem xét công tác chuẩn bị và đăng cai tổ chức Asiad 18 của các nước bao gồm: các địa điểm thi đấu, Làng VĐV, các địa điểm khác, điều kiện giao thông, hạ tầng cơ sở, nguồn tài chính cũng như một vài vấn đề khác có liên quan.
Phái đoàn OCA đánh giá cao quyết tâm và sự chuẩn bị của Việt Nam |
Trong chuyến thị sát tại Việt Nam lần này, phái đoàn OCA gồmmột Phó Chủ tịch OCA, một phó tổng giám đốc chuyên trách công tác tổ chức – đăng cai các đại hội, một tổng giám đốc chịu trách nhiệm về công tác đối ngoại của OCA. Trong 3 ngày làm việc tại Việt Nam, phái đoàn của OCA đã tới khu triển lãm quy hoạch Hà Nội ở Mỹ Đình để xem bản quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020. Trong ngày 6/10, phái đoàn OCA làm việc với đại diện lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT, UB Olympic, đại diện lãnh đạo TP Hà Nội… tại khách sạn Daewoo.
Tại đây, phái đoàn của OCA được phía Việt Nam giới thiệu về các công tác chuẩn bị như các địa điểm tổ chức, làng VĐV, trung tâm báo chí, địa điểm tập luyện…Đặc biệt, phía OCA rất quan tâm tới sự ủng hộ của Chính phủ và người dân Việt Nam với sự kiện OCA. Đó là lý do mà trước đó hồ sơ xin đăng cai của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, chấp thuận của Chính phủ. UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản cam kết về việc đăng cai, do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Tuấn Anh cũng đã ký các văn bản liên quan.
Phó Chủ tịch thường trực, nguyên Tổng thư ký UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết, phía OCA đã gợi ý rằng chúng ta sẽ phải chứng minh với OCA về quyết tâm của Chính phủ, của thành phố Hà Nội và người dân. “Điều này thì Việt Nam có lợi thế nhiều hơn hẳn so với các đối thủ. Tôi cho rằng cơ hội đăng cai Asian Games đang ở rất gần với Việt Nam”, ông Giang khẳng định.
Chi phí rẻ nhờ “Ăn theo” quy hoạch của Thủ đô
Thực tế, để tổ chức một sự kiện thể thao lớn như Asiad, sự ủng hộ của Chính phủ và người dân mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện còn lại, Việt Nam sẽ phải chứng minh mình có đủ cơ sở vật chất, đồng nghĩa với việc phải lo đủ kinh phí để tổ chức giải.
Trái với lo lắng của nhiều người về số kinh phí sẽ là khổng lồ, con số dự trù mà ông Giang đưa ra chỉ là 150 triệu USD.
Ông Giang tin tưởng cơ hội đăng cai ASIAD nằm trong tầm tay |
“Cơ sở nào mà tôi lại đưa ra con số khiêm tốn này? Việc Chính phủ đồng ý cho phép Việt Nam xin đăng cai thì cũng đã có những tính toán cụ thể. Theo đó, nguồn kinh phí chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020. Nói một cách dễ hiểu, đầu tư cho Asiad 18 sẽ “ăn theo” Quy hoạch phát triển của thành phố, nên kinh phí sẽ thấp hơn nhiều. Đặc biệt các dự án của thể thao sẽ được ưu tiên hoàn thành sớm trước năm 2020 nếu Việt Nam giành quyền đăng cai”, ông Giang nói.
Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng khu liên hợp thể thao Asiad và Olympic Hà Nội với diện tích tới hơn 200 hecta. Cả phía nam, bắc, đông, tây của Hà Nội đều có ít nhất 20 hecta đất dành cho thể thao và có thể sử dụng để phục vụ cho Asiad 18. Đó là chưa kể cơ sở vật chất ở khu vực Mỹ Đình và các tỉnh lân cận. Theo ông Giang, hiện tại các tỉnh đều rất muốn được đăng cai 2-3 môn thi đấu, toàn bộ kinh phí đều tự lo hết.
Phía OCA cũng cho biết, việc Việt Nam định tổ chức bao nhiêu môn thi đấu ở kỳ Asiad 2019 không quan trọng, nhưng nhất thiết phải có 28 môn trong hệ thống thi đấu Olympic. Dự kiến, Việt Nam sẽ đăng cai tối thiểu là 36 môn và nhiều nhất là 45 môn.
Với số môn này, Việt Nam sẽ bố trí 40 địa điểm thi đấu cùng 30 địa điểm tập luyện. Theo ông Giang, để có sự vào cuộc của cả nước, ngoài Hà Nội là thành phố chính đăng cai, các tỉnh khác cũng sẽ được phân các môn thi đấu. Một bảng đấu của môn bóng đá có thể sẽ tổ chức tại Đà Nẵng hoặc TP.HCM, trong khi đua thuyền sẽ tổ chức ở Bình Thuận…
“Hiện tại chúng ta đang thiếu một đường đua xe đạp lòng chảo, đua ngựa, hockey, bóng chày, bóng bầu dụ và đặc biệt là nhà thi đấu đa năng có sức chứa khoảng 1 vạn người. Phía OCA cho biết nếu Việt Nam nhận quyền đăng cai, sẽ hỗ trợ tối đa về mọi mặt. Trong khi đó, làng VĐV với sức chứa lên tới 11.000 người sẽ ngốn kinh phí rất lớn nhưng lại là vấn đề dễ giải quyết nhất. Làng VĐV sẽ được đấu thầu cho các chủ đầu tư. Sau khi Asiad kết thúc, làng VĐV sẽ được chuyển thành các căn hộ cho người dân mua. Theo kế hoạch, làng VĐV sẽ được xây dựng cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km”, ông Giang cho biết.
Về kinh phí 150 triệu, theo ông Giang, dù kinh tế có phục hồi hay không thì số tiền này cũng không phải là quá lớn với một chính phủ và một thành phố đang trong giai đoạn tiến lên xây dựng công nghiệp theo hướng hiện đại hóa năm 2020. Thậm chí ông Giang còn đưa ra phép tính so sánh đơn giản cho việc xây dựng đường đua lòng chảo (dự kiến liên doanh với Hàn Quốc) đã lên tới 200 triệu USD, thì kinh phí dự trù của Việt Nam không có gì là quá sức.
Trong ngày hôm qua, OCA đã tiến hành thị sát trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, nơi sẽ là địa điểm tập luyện chính và tổ chức một số môn tại Asiad. Phía OCA đã đánh giá rất cao cơ sở vật chất tại đây và tin vào khả năng tổ chức tốt của Hà Nội. Trước khi chia tay, phái đoàn của OCA đã đã rất khâm phục Việt Nam, khâm phục thủ đô Hà Nội đã có một sự quan tâm đến con người, đến thể thao quần chúng và thành tích cao. Việc đề ra quy hoạch tổng thể phát triển thành phố nhưng đặt thể thao ở tầm quan trọng hàng đầu, ít quốc gia nào làm được như Việt Nam.
OCA nhấn mạnh Việt Nam sẽ rất thành công nếu thực hiện kế hoạch đang có. Nếu Việt Nam được quyền đăng cai Asiad, thì chính sân chơi này sẽ là động lực để quay lại thúc đẩy quy hoạch phát triển mà Việt Nam đã đề ra.
Bằng Tường (theo dantri)
Bình luận (0)