Lạm phát tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2011 chủ yếu là do nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Đó là nhận xét của PGS TS Trần Hoàng Ngân – thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM.
Theo ông Ngân, Chính phủ cần tăng thêm liều lượng cho một số giải pháp “điều trị” căn bệnh lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Lạm phát tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2011 chủ yếu là do nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Đó là nhận xét của PGS TS Trần Hoàng Ngân – thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM.
Thưa PGS – TS, lạm phát tăng rất cao trong 3 tháng đầu năm và còn đe doạ sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, nguyên nhân chính vì đâu? Hai đợt tăng giá xăng dầu liên tục có phải là nguyên nhân chính tác động đến trượt giá?
Nhiều nước trong khu vực hội nhập với thế giới sâu hơn Việt Nam và cũng chịu những tác động của thị trường thế giới như giá xăng dầu tăng, nhưng họ không bị lạm phát cao như Việt Nam. Chẳng hạn lạm phát năm của Thái Lan tính đến cuối tháng 3/2011 là 2,9%, Indonesia 6,8%, Singapore 5%, Malaysia 2,9%…
Trong khi đó, lạm phát tính theo năm tại Việt Nam đã trên 12%. Khoảng cách chênh lệch 6 – 7% hoặc cao hơn nữa so với các nước rõ ràng là do yếu tố nội tại, là do căn bệnh của nền kinh tế. Đó cũng là sự trả giá cho việc chạy theo mục tiêu tăng trưởng. Ước tính giá xăng dầu chỉ tác động làm tăng lạm phát thêm khoảng 2%, nhưng hiện tượng “té nước theo mưa” đã góp phần đẩy giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao.
Theo ông, Việt Nam có khả năng kiềm chế lạm phát dưới 10% trong năm? Những giải pháp nào cần ưu tiên để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế?
Việt Nam vẫn có khả năng kềm chế lạm phát năm 2011 dưới 2 con số. Nghị quyết 11 sau 1 tháng triển khai đã phát huy hiệu quả và cho thấy các giải pháp của Chính phủ là đúng hướng. Về tỉ giá, hiện tỉ giá USD trên thị trường và tỉ giá niêm yết đã gần sát nhau, cung – cầu khá ổn định. Thị trường ngoại tệ và thị trường vàng đang đi vào nền nếp luật pháp.
Nhập siêu trong quý I giảm còn 3 tỉ USD, bình quân mỗi tháng 1/2010 tỉ USD. Đầu tư công đã được cắt giảm 1.387 dự án trên cả nước với tổng trị giá 3.400 tỉ đồng – đây là giải pháp chống lạm phát quan trọng vì từ trước đến nay hiệu quả sử dụng vốn khu vực đầu tư công rất thấp… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tăng cường các biện pháp an sinh xã hội và hỗ trợ DN như trợ khó khăn cho CB- CC và hộ nghèo, dãn thuế thu nhập DN…
Nhìn chung, Nghị quyết 11 là toa thuốc đúng. Vấn đề là phải điều trị lâu dài, kiên trì và đúng liều lượng, phải có mục tiêu trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đợt khủng hoảng 2008, Việt Nam đã kiềm chế lạm phát hiệu quả, nhưng đến 2010 lạm phát lại bật dậy, một phần do thiếu giải pháp dài hạn.
Cụ thể cần tăng – giảm liều lượng đối với những giải pháp nào?
Việc cắt giảm đầu tư công và chống nhập siêu phải tăng thêm liều lượng. Mức cắt giảm đầu tư công trong đợt vừa qua vẫn còn nhỏ so với mong muốn, chỉ đạt tỉ lệ hơn 1% tổng đầu tư công hằng năm (năm 2010 là 316.000 tỉ đồng), cần cắt giảm ít nhất 30.000 tỉ đồng nữa thì tổng cầu mới có thể giảm sâu. Dĩ nhiên, việc cắt giảm phải có chọn lọc. Về nhập siêu, cần tiếp tục giảm nhập siêu qua việc hạn chế nhập các mặt hàng xa xỉ, hỗ trợ bằng chính sách thuế cho các DN sản xuất hàng Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu.
Chính sách điều hành tỉ giá trong thời gian qua hợp lý, nhưng người dân vẫn còn gặp khó khăn khi mua ngoại tệ mặt. Theo tôi, trong giai đoạn này cần cho phép các NH thương mại thu phí bán ngoại tệ mặt vì hiện giá mua, giá bán sát nhau, nếu bán, NH sẽ bị lỗ. Ở các nước khác không đặt ra phí bán ngoại tệ mặt do NH không bị khống chế giá trần và giá mua, giá bán chênh lệch rất cao.
Thắt chặt tiền tệ cũng là giải pháp quan trọng chống lạm phát, nhưng nếu làm quá liều thì sẽ tai hại cho nền kinh tế. Hiện các DN gặp khó khăn trong đầu tư sản xuất kinh doanh vì lãi suất quá cao. Thắt chặt tiền tệ bằng hạn mức tín dụng là hợp lý, nhưng nếu cứ duy trì lãi suất cao, nhiều DN khó tránh khỏi phá sản. Các DN trong nước cần được khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng với lãi suất đầu ra trên dười 20% thì DN không dám vay vốn để tái cấu trúc.
Một khi sản xuất trong nước đình trệ, nhập siêu sẽ càng cao hơn. Lãi suất cao do một số NH nhỏ đầu tư nhiều và các lĩnh vực phi sản xuấ t- như thị trường nhà đất – nay bị khát vốn và tìm mọi cách tăng lãi suất đầu vào. Các NH khác sợ mất khách hàng cũng phải tăng theo. Để ổn định lãi suất cần có giải pháp đối với hệ thống NH thương mại: kiểm tra và đặt một số NH vào diện kiểm soát đặc biệt, đồng thời can thiệp để đảm bảo thanh khoản.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn LAO ĐỘNG
Bình luận (0)