Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam có thể vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan lo mất vị trí dẫn đầu vào tay Việt Nam do sức cạnh tranh yếu đi và chủng loại gạo không đa dạng.

Trên Bangkok Post, Charoen Laothamatas – Chủ tịch Hiệp hội các hãng xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt, chi phí sản xuất cao hơn các đối thủ (như Việt Nam) biến động tỷ giá và hạn hán lan rộng, Thái Lan có nguy cơ rơi xuống vị trí thứ ba trên thế giới năm nay. Thay vào đó, Việt Nam có thể chiếm ngôi xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới.

Công nhân chuyển gạo bên bờ sông Chao Phraya (Thái Lan). Ảnh: Reuters

Công nhân chuyển gạo bên bờ sông Chao Phraya (Thái Lan). Ảnh: Reuters

"Thái Lan đã bán đúng những giống gạo này suốt 30 năm qua, thiếu phát triển giống mới để đáp ứng nhu cầu thị trường và hành vi tiêu dùng đang thay đổi", ông Charoen cho biết, "Năm nay, hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn, tương tự mục tiêu của Bộ Thương mại, trị giá 4,2 tỷ USD". Đây là mục tiêu thấp nhất trong 7 năm qua.

Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu 7,58 triệu tấn, thu về 131 tỷ baht, giảm lần lượt 32% và 25% so với năm trước đó. Thị trường lớn nhất của nước này là Benin, sau đó đến Nam Phi, Mỹ và Trung Quốc.

Ông Chookiat Ophaswongse – chủ tịch danh dự của hiệp hội cho biết các rủi ro chính với triển vọng xuất khẩu gạo của Thái Lan là đồng baht mạnh, hạn hán diện rộng, kho dự trữ khổng lồ của Trung Quốc và Việt Nam liên tục phát triển giống gạo mới, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng hạt dài.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thành công trong việc xuất khẩu gạo giá rẻ hơn Thái Lan và tiếp cận nhiều thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hong Kong, Philippines và Malaysia. Các rủi ro khác gồm Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có thể giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu của Cục Ngoại Thương Thái Lan, Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, với 11,79 triệu tấn năm 2018 và ước tính 10,6 triệu tấn năm 2019. Số liệu ước tính năm ngoái của Thái Lan và Việt Nam lần lượt là 7,58 triệu tấn và 6,85 triệu tấn.

Hà Thu/Vnexpress (theo Bangkok Post)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)