Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Việt Nam đang chịu thảm họa sức khỏe thầm lặng

Tạp Chí Giáo Dục

Ít nhất 126.000 trường hợp mắc mới ung thư mỗi năm và ước tính tới năm 2020 sẽ có 190.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Tệ hơn khi có 55% bệnh nhân ung thư tử vong trong vòng 12 tháng sau khi phát hiện bệnh hoặc nếu không cũng gặp phải hệ lụy tài chính… Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo hợp tác đa ngành trong phòng chống ung quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 8-12 tại Hà Nội.

Ảnh hưởng mạnh kinh tế – xã hội

Theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh ung thư đang là vấn đề quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội và kinh tế Việt Nam khi người mắc ung thư đang gia tăng. Trong khi đó chi phí điều trị cho căn bênh nan y lại vô cùng tốn kém. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chỉ rõ, xu hướng mắc bệnh ung thư không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu năm 2012, toàn thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong. Còn tại Việt Nam nếu như năm 2000 số người mắc mới ung thư tối thiểu là 68.810 ca thì đã lên tới 126.307 ca vào năm 2010 và ước tính tới năm 2020 sẽ có 190.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, những năm qua hệ thống các bệnh viện chuyên khoa, cơ sở điều trị ung bướu ở nước ta không ngừng được mở rộng và nâng cấp nhưng vẫn chưa thế đáp ứng, đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh ung thư của người dân. Tới nay cả nước đã có 6 bệnh viện chuyên ngành ung bướu và 50 khoa/trung tâm điều trị ung bướu ở các bệnh viện tuyến tỉnh nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu điều trị. Đặc biệt tại 2 bệnh viện lớn đầu ngành về ung bướu là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TPHCM dù được mở rộng, tăng số giường bệnh nhưng vẫn luôn trong tình trạng… quá tải bệnh nhân.

Không chỉ có số người mắc ung thư đang ngày càng gia tăng mà việc điều trị căn bệnh này cũng rất khó khăn, tốn kém và là gánh nặng lớn đối với nhiều người và xã hội. Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, cho biết, qua khảo sát và điều tra của bệnh viện cho thấy có tới 34% bệnh nhân ung thư không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh, 22% không thể thanh toán chi phí đi lại và 24% không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện nước, gas… Ông Khoa cũng thẳng thắn cho biết, đây mới chỉ là kết quả sau 12 tháng bệnh nhân phát hiện bệnh, còn để tiếp tục đi hết lộ trình điều trị ung thư, ít có bệnh nhân đủ khả năng trả chi phí. 

Trong khi đó một nghiên cứu rộng hơn được Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu George thực hiện về chi phí điều trị ung thư tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho thấy, 55% bệnh nhân ung thư tử vong trong vòng 12 tháng sau khi phát hiện bệnh hoặc gặp phải hệ lụy tài chính. “Có những người dù biết mình mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng vẫn canh cánh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền bởi còn đó một gánh nặng gia đình phải mang vác, bởi thời gian điều trị ung thư kéo dài, số tiền điều trị quá lớn không có khả năng chi trả, một số người bệnh phải bỏ dở liệu trình điều trị, nhiều em nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bạn bè và không thể tiếp tục chạy chữa do gia cảnh quá khó khăn…” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ.

Cần nhiều nguồn lực hơn

Hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện và chẩn đoán ung thư ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 14% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, trong đó 5% được chẩn đoán ở giai đoạn I và 19% ở giai đoạn II. Ước tính trung bình mỗi năm, Việt Nam có tới 70.000 người chết vì bệnh ung thư. Hơn nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo, số người cao tuổi mắc ung thư và gánh nặng của bệnh ung thư tăng cao trong khu vực châu Á có khả năng khiến ung thư trở thành một nạn dịch đối với toàn khu vực. Còn đối với Việt Nam, ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng khi căn bệnh này chiếm tới 66% tổng số gánh nặng bệnh tật và tác động nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế xã hội.

Trước thực trạng trên, để giảm bớt gánh nặng bệnh ung thư ở nước ta, đại diện Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần phải hành động nhiều hơn nữa để có thêm nguồn lực thực hiện được chiến lược và kế hoạch phòng chống ung thư một cách toàn diện và lâu dài. Đồng thời, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện, hoàn thiện việc thực thi các chương trình phối hợp để giải quyết các vấn đề về hạn chế kiến thức và nhận thức chung của cộng đồng về bệnh ung thư. Chính phủ cần chú ý việc bảo đảm tài chính cá nhân, hộ gia đình thông qua bảo hiểm y tế và dịch vụ công hỗ trợ chăm sóc ung thư để thực hiện các chi phí liên quan đến điều trị ung thư.  Mặt khác, thiết lập và đưa vào sử dụng các mạng lưới an sinh xã hội để hạn chế tỷ lệ gặp phải thảm họa tài chính và khó khăn kinh tế cho cá nhân và hộ gia đình sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đặc biệt là đối với những nhóm cộng đồng có thu nhập thấp. Đồng thời đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường nhận thức về bệnh và phát hiện sớm ung thư, các chương trình sàng lọc chất lượng cao để làm giảm chi phí điều trị ung thư các cá nhân và hộ gia đình.

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia tổ chức Chiến dịch 1 triệu tin nhắn ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo. Theo đó, với mỗi một tin nhắn theo cú pháp UT gửi 1406 có giá trị ủng hộ 12.000 đồng. Chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư sẽ kéo dài đến ngày 6-2-2016.

Khánh Nguyễn/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)