Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam dự Hội nghị doanh nghiệp CLMV tại Ấn Độ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khuôn khổ chuyến thăm và khảo sát thị trường Ấn Độ, ngày 22/10, đoàn đại biểu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng dẫn đầu, đã tham dự phiên họp toàn thể “Hội nghị Doanh nghiêp Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam” (CLMV) tại khách sạn Taj Palace, thủ đô New Delhi.

Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Anand Sharma đã đến tham dự và phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)

Hội nghị do Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ công thương Ấn Độ. Với chủ đề “Kiến tạo những cơ hội kinh tế mới,” Hội nghị Doanh nghiệp CLMV đã tạo diễn đàn cho các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ, đồng thời các đối tác Ấn Độ cũng có dịp trao đổi, tìm hiểu các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại các nước CLMV.

Hội nghị là dịp để hai bên thể hiện tiềm năng của những lĩnh vực có thể hợp tác; thảo luận những cơ hội mà các công ty Ấn Độ có thể tham gia đầu tư và buôn bán tại các nước CLMV; xác định cơ hội của những dự án cụ thể nhằm tăng cường đối tác giữa các ngành công nghiệp của CLMV và ngành công nghiệp Ấn Độ theo chiến lược quốc gia và những lĩnh vực ưu tiên của các nước, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ và những lĩnh vực cần nguồn lực đặc biệt; xem xét việc sử dụng hiệu quả nguồn tín dựng do Chính phủ Ấn Độ cung cấp cho các nước CLMV.

Tổng giám đốc CII Chandrajit Banerjee cho biết, kim ngạch thương mại hiện nay của Ấn Độ với các nước CLMV vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Trong khi kim ngạch thương mại của Ấn Độ với khối ASEAN đạt 76,7 tỷ USD trong năm 2012-2013, kim ngạch thương mại của Ấn Độ với các nước CLMV chỉ đạt 8,53 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ tới các nước CLMV đạt 4,65 tỷ USD và nhập khẩu là 3,88 tỷ USD.

Các nước CLMV – những láng giềng sát nách phía Đông của Ấn Độ – là cầu nối giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Trong hơn 15 năm qua, các xí nghiệp Ấn Độ đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào các nước CLMV trong những lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, điện, dầu-khí, cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Trưởng đoàn đại biểu các nước tham dự hội nghị đã lần lượt phát biểu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư, kinh doanh của mỗi nước, mời gọi các nhà doanh nghiệp trong khối và Ấn Độ đầu tư, hợp tác phát triển các dự án tại nước mình.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp CLMV tại Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã được nâng lên mức Đối tác chiến lược.

Bà Nguyễn Thị Hồng giới thiệu với Hội nghị một số nét về kinh tế, môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Bà cho biết sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã tạo được một môi trường kinh tế năng động, với tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn diện và đầy đủ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đầu mối giao lưu quốc tế của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam…Nhờ những ưu thế về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt môi trường chính trị-xã hội ổn định, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Ấn Độ.

Trên địa bàn thành phố hiện có 4.795 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 32,62 tỷ USD; chỉ riêng trong chín tháng đầu năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 330 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 740,01 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, khoa học-công nghệ, thương mại, công nghiệp xây dựng…

Về các dự án đầu tư của Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 9/2013 có 24 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,16 triệu USD.

Bà Hồng cũng đề xuất sáng kiến mời Ấn Độ tham gia hội chợ du lịch thường niên “5 quốc gia một điểm đến” tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam vào năm 2014 nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên kết giữa các nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch các nước mở rộng cơ hội hợp tác./.

Minh Lý-Tiến Hiến

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)