Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Việt Nam đứng thứ 58 về chỉ số thông thạo Anh ngữ EF

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đây là kết quả vừa được EF (Education First) công bố trong bảng Chỉ số thông thạo tiếng Anh EF EPI năm 2023 thông qua việc phân tích kết quả của 2,2 triệu người trưởng thành ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia bài kiểm tra tiếng Anh EF SET năm 2022.


Chỉ số và xu hướng chỉ số thông thạo tiếng Anh của Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có mức độ thông thạo tiếng Anh trung bình

EF EPI được thực hiện trên 2,2 triệu người thông qua bài kiểm tra EP SET, tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó 55% người làm bài kiểm tra là nữ; 45% là nam. 99% trong đó ở độ tuổi dưới 60 tuổi, độ tuổi trung bình thực hiện bài kiểm tra là 26 tuổi. Đến thời điểm này, đây là bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới.

Kể từ lần đầu tiên thực hiện việc Chỉ số thông thạo tiếng Anh EF vào năm 2011, EF đánh giá mức độ thông thạo tiếng Anh trung bình trên toàn thế giới của người trưởng thành tính theo trọng số dân số không thay đổi. Thay vào đó, lợi ích trong một nhóm được bù đắp bằng tổn thất ở nhóm khác, khi hoàn cảnh thay đổi và các ưu tiên thay đổi.

Bảng chỉ số thông thạo tiếng Anh của các quốc gia và vùng lãnh thổ được chia ra các mức độ thông thạo tiếng Anh ở mức độ thông thạo rất cao; mức độ thông thạo cao; mức độ thông thạo trung bình; mức độ thông thạo thấp và mức độ thông thạo rất thấp.

Theo chỉ số thông thạo tiếng Anh vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 58/113 quốc gia và vùng lãnh thổ – được xếp vào nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh trung bình. Cùng nhóm này còn có 32 quốc gia khác như Hàn Quốc, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ý…


Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh với người bản ngữ

Các quốc gia được đánh giá có mức độ thông thạo tiếng Anh rất cao gồm 12 quốc gia, đứng đầu là Hà Lan, Singapore, Áo, Đan Mạch, Na Uy…; Mức độ thông thạo cao bao gồm 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Ba Lan, Phần Lan, Romani…; 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp vào danh sách quốc gia có chỉ số thông thạo tiếng Anh ở mức thấp, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ; Mức độ thông thạo rất thấp gồm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Palestine, Uzabekistan, Cameroon…

Đông Nam Á có sự giảm nhẹ về trình độ tiếng Anh trung bình

Theo EF EPI, trình độ tiếng Anh của thế hệ trẻ (từ 18-20 tuổi) đang bị suy giảm ở một số nơi, tập trung vào một số quốc gia lớn. Ở hầu hết các nơi, khả năng sử dụng tiếng Anh của giới trẻ ổn định, hoặc nếu có sự suy giảm thì lý do đến từ sự gián đoạn của hệ thống giáo dục trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, điều này có thể phục hồi. Thách thức khó khăn hơn đối với những quốc gia đang trải qua sự suy giảm kéo dài ở nhóm tuổi trẻ nhất- nơi hệ thống giáo dục đang dạy tiếng Anh kém hiệu quả hơn trước đây.

Đặc biệt, thông qua khảo sát, EF EPI khẳng định, những người đi làm đang ngày càng nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh. Nhân lực đang phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường công việc qua các chương trình đào tạo được ban hành hoặc thông qua sự phát triển cá nhân. Điều này phù hợp với sự tăng lên đáng kể của các khoá học tiếng Anh chuyên nghiệp trong thập kỷ qua.


Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh thông qua lịch sử

Cũng theo đánh giá của EF EPI, khu vực Nam và Đông Nam Á có một sự giảm nhẹ về trình độ tiếng Anh trung bình. Tuy nhiên, một số quốc gia trong khu vực này vẫn giữ điểm số ổn định hoặc tăng nhẹ. Số điểm trung bình ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi trình độ tiếng Anh ở Ấn Độ đã giảm dần trong vài năm qua. Đặc biệt, sự tiến bộ của Thái Lan đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch. Riêng khu vực Trung Á, trình độ tiếng Anh thấp và ổn định, với khoảng cách giới tính cao hơn mức trung bình, xu hướng ưu ái nam giới hơn nữ giới ở hầu hết các quốc gia khác.

Trong khi đó, khả năng sử dụng tiếng Anh của người trưởng thành đã giảm sút ở khu vực Đông Á trong vòng 4 năm qua, và kéo dài suốt một thập kỷ tại Nhật Bản. Sự suy giảm này tăng tốc trong năm nay với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Trong cùng thời kỳ, số lượng sinh viên Đông Á đăng ký theo học tại các trường Đại học Mỹ giảm đáng kể (giảm 20% ở Hàn Quốc vào năm 2023 so với năm 2020; con số này của Trung Quốc là 30%). Theo EF EPI, nguyên nhân đến từ các hạn chế về di chuyển do đại dịch, đồng thời là biểu hiện của khoảng cách chính trị, sự chuyển đổi dân số, cũng như nghi vấn ngày càng tăng về tầm ảnh hưởng văn hóa phương Tây đối với lĩnh vực giáo dục…

Cần xem xét số giờ tiếng Anh hiện có trong chương trình dạy

Từ các chỉ số trên, EF EPI khuyến nghị rằng các quốc gia và cơ quan giáo dục nên xem xét số giờ hiện có trong chương trình giảng dạy và mức độ thông thạo mục tiêu cho mỗi giai đoạn; Điều chỉnh bài kiểm tra đầu vào và đầu ra để đánh giá các kỹ năng tiếng Anh giao tiếp; Đưa tiếng Anh vào trong chế độ đào tạo cho tất cả giáo viên mới; Đào tạo lại giáo viên tiếng Anh về phương pháp giảng dạy giao tiếp nếu trước đó được đào tạo bằng phương pháp khác; Đảm bảo người giảng dạy tiếng Anh có trình độ ngôn ngữ đủ tốt để truyền đạt kiến thức; Đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu để lựa chọn người giảng dạy tiếng Anh, thường xuyên kiểm tra khả năng giảng dạy và đào tạo những người chưa đạt tiêu chuẩn đề ra…

Với riêng giáo viên, EF EPI khuyên rằng, giáo viên dạy tiếng Anh bằng phương pháp dựa trên giao tiếp. Kết nối học sinh bên ngoài lớp học bằng các phương tiện truyền thông, khuyến khích các em chia sẻ các mục yêu thích của mình…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)