Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam đứng thứ hai về lượng phát tán thư rác trong quý 1

Tạp Chí Giáo Dục

Một báo cáo của Kasperky Lab về an ninh bảo mật trong quý 1 vừa được công bố cho thấy, lượng thư rác có nguồn gốc từ Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới với 10,3%.

Đứng thứ nhất trong danh sách này là Mỹ với 12,43% và Ấn Độ 6,16%.
Cũng theo Kaspersky, có tới 81,9% thư rác có kích thước rất nhỏ (cao nhất là 2KB). Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đối với những người phát tán email càng nhỏ sẽ giúp họ dễ dàng kiểm soát khi gửi số lượng lớn.

Ảnh có tính minh họa. (Nguồn: home.bits77.com)

Chủ đề chính trong thư rác là vấn đề khủng bố. Các thư rác thuyết phục người nhận bằng file đính kèm chứa ứng dụng trên di động mới có thể phát hiện thiết bị khủng bố. Nội dung thư cũng nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hiện ra công nghệ này và nó rất đơn giản và dễ truy cập.
Tệp đính kèm trong thư rác thường chứa file khởi chạy được phát hiện với tên Trojan-Dropper.Win32.Dapato. Sau khi cài đặt, phần mềm độc hại có thể đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng, tổ chức tấn công DDoS và cài đặt phần mềm độc hại khác.
Cũng theo Kaspersky, giải pháp bảo mật của đơn vị này đã phát hiện ra 372.602 cuộc tấn công từ ransomware (mã độc tống tiền) trong quý 1, trong đó có 17% nhắm vào các công ty. Top 3 mã độc tống tiền trong quý 1 là Teslacrypt (58,4%), CTB-Locker (23,5%) và Cryptowall (3,4%).
Về con số tổng thể, trong quý 1, sản phẩm của Kaspersky đã chặn tổng cộng 228 triệu cuộc tấn công vào máy tính và thiết bị di động. Trung Quốc là quốc gia bị tấn công nhiều nhất (40%), kế tiếp là Bangladesh (28%) và Uzbekistan (21%).
Trong một diễn biến khác, chiều 30/5, Kaspersky Lab cũng phát đi cảnh báo cho biết chuyên gia của họ đã tiến hành kiểm tra một số smartphone chạy nhiều phiên bản của hệ điều hành Android và iOS để tìm hiểu xem thiết bị trao đổi những dữ liệu gì khi được kết nối sạc vào PC hoặc máy Mac.
Kết quả kiểm tra chỉ ra rằng điện thoại di động để lộ một chuỗi dữ liệu trong khi kết nối bao gồm: tên thiết bị, nhà sản xuất, loại, số series, thông tin hệ điều hành, hệ thống tập tin/danh sách tập tin​… Lượng dữ liệu được gửi đi tùy thuộc vào thiết bị và máy tính, nhưng mỗi smartphone trao đổi bộ thông tin cơ bản như nhau như tên thiết bị, nhà sản xuất, số series…
Do đó, phía Kaspersky Lab khuyến nghị người dùng chỉ sử dụng điểm sạc USB và máy tính đáng tin để sạc thiết bị. Bên cạnh đó, cần bảo vệ di động bằng mật khẩu hoặc nhận biết dấu vân tay và không mở khóa khi sạc…/.

Yên Thủy (Vietnam+)

Bình luận (0)