Các người mẫu biểu diễn trong chương trình Đêm hội chân dài – Ảnh: Đ.T |
Việt Nam gia nhập Liên đoàn Thời trang châu Á (AFF) là tin vui cho ngành thời trang. Tuy nhiên, để sự kiện này có thể tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp thời trang đất nước là cả một chặng đường dài.
Liệu có thể là cơ hội?
Lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 6 của AFF diễn ra tại Hà Nội đêm 22.11 vừa qua được quảng bá bằng việc trình diễn 6 bộ sưu tập thời trang của 6 nhà thiết kế đại diện cho 6 quốc gia thành viên: Hidebadu Yasui (Nhật Bản), Nic Wong (Singapore), Choi Bo Ko (Hàn Quốc), Li Xiao Yan (Trung Quốc), Ek Thongprasert (Thái Lan) và Trương Anh Vũ (Việt Nam).
Nhìn vào danh sách, dễ thấy thành viên của các nước đã có một nền công nghiệp thời trang phát triển. Họ có đội ngũ thiết kế được đào tạo bài bản và quan trọng nhất, gần như đã vượt qua giai đoạn gia công dệt may. Trong khi nhìn lại, Việt Nam chưa hề có một nền công nghiệp thời trang đúng nghĩa. Hàng loạt "nhà thiết kế" được phát hiện qua những cuộc thi nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, chưa thể hiện được bản sắc riêng và càng chưa tạo dựng được những thương hiệu uy tín cả trong nước lẫn thị trường nước ngoài. Các công ty, xí nghiệp may thì đang loay hoay trở lại thị trường nội địa bằng những sáng tạo riêng sau bao nhiêu năm chỉ gia công hàng cho nước ngoài.
Không có gì đồng bộ
Khi thời trang Việt còn manh mún, tự phát, chưa có bước đột phá lớn, thì sự phát triển rầm rộ của đội ngũ người mẫu đưa đến tình trạng dư thừa sau những cuộc thi tuyển được tổ chức liên tục. Quá nhiều cuộc tuyển chọn người mẫu, người đẹp được tổ chức cấp tập thời gian qua như Siêu mẫu Việt Nam, Người mẫu tuổi teen, Siêu mẫu thời trang, Manhunt Vietnam, Người đẹp Hoa Anh Đào, Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam, Teen model, Miss Teen, Sứ giả học đường… Đó là chưa kể đến các lớp đào tạo người mẫu từ có giấy phép đến cả tổ chức "lậu" đang mở ra nhan nhản tại các đô thị lớn.
Ngoài những show diễn trên truyền hình trong các chương trình như Thời trang và cuộc sống, Phong cách đam mê, Theo dòng thời trang…, các show thời trang còn lại trên sàn catwalk hiện nay chỉ được tổ chức lẻ tẻ, không mang tính chuyên nghiệp hay đúc kết, đưa ra xu hướng mới cho thời trang Việt từng mùa trong năm. Vietnam Fashion Week hoặc Đẹp Fashion Show chỉ là cuộc chơi đơn lẻ của vài nhà thiết kế gắn bó với nhau, hoàn toàn không đại diện cho thời trang Việt Nam đương đại.
Những tên tuổi một thời được các phương tiện truyền thông khoác cho danh hiệu "nhà thiết kế thời trang" đến nay hầu như "im thin thít” hoặc “lặn mất tăm". Đa số đã không trụ nổi trước sức ép thị trường, cộng với tay nghề còn non, thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ năng quản lý, điều hành, quảng bá thương hiệu… Chỉ có năng khiếu cộng với niềm đam mê nên thất bại là điều dễ hiểu. Số đông chuyển sang hợp tác với các công ty may mặc, mà điều này lẽ ra họ phải làm ngay từ ban đầu, trước khi tự mở shop thời trang với hy vọng tạo dựng thương hiệu riêng và sau đó thất bại.
Nghịch lý bao giờ mới chấm dứt?
Sự mất cân đối giữa cung – cầu trong ngành người mẫu kéo theo việc cạnh tranh giữa các người đẹp. Cát-sê một buổi diễn thời trang hiện đã rớt thê thảm, trung bình từ 500.000 – 1.000.000 đồng/show cho những người mẫu tên tuổi. Còn lại chỉ độ 200.000, 300.000 đồng/show.
Thừa người đẹp nhưng khi phải tiến cử đại diện Việt Nam tham gia đấu trường nhan sắc thế giới, các nhà tổ chức luôn vò đầu bứt tai bởi khó tìm được người tài sắc vẹn toàn. Vả lại, các công ty săn tìm người mẫu nước ngoài cũng chưa hề quan tâm đến "chân dài" Việt Nam để mời sang biểu diễn, hành nghề. Bởi chúng ta không hề có một trường đào tạo chuyên nghiệp hóa với giáo trình và chuyên gia kinh nghiệm. Chỉ khi nào thời trang Việt thật sự phát triển, trình làng những xu hướng ăn mặc thu hút người tiêu dùng, may ra nghề người mẫu mới có cơ may phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Gia nhập AFF, những người làm nghề sẽ tận dụng cơ hội này để xây dựng nền công nghiệp thời trang cho đất nước hay chỉ vui là chính thì chỉ người trong cuộc mới tận tường hơn ai hết.
Đỗ Tuấn (Theo TNO)
Bình luận (0)