Y tế - Văn hóa

Việt Nam hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-10, tại TP.Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình chống lao quốc gia tổ chức hội nghị triển khai Công điện số 25/CĐ-TT của Thủ tướng và giao ban sơ kết công tác phòng chống lao năm 2024.

Tăng cường công tác phòng, chống lao

TS.BS cấp cao Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, năm 2024 cũng là năm bản lề quan trọng của chương trình, đánh dấu 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2024-2026 với những can thiệp/hoạt động toàn diện và đồng bộ nhằm phát hiện và điều trị nhiều nhất số ca lao mắc mới trong cộng đồng, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam như đã cam kết với quốc tế và Chính phủ.

TS.BS cấp cao Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia phát biểu tại hội nghị

Ngày 25-3-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống lao. Công điện nêu rõ tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề. Công tác phòng, chống lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; Hệ thống triển khai hoạt động phòng, chống lao còn hạn chế tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của bản thân, vẫn còn tình trạng giấu bệnh.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao và tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới 2023, Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Trong báo cáo năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt Nam có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo cho Chương trình chống lao quốc gia hàng năm tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (khoảng 106.000 bệnh nhân). Như vậy, sẽ có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị còn trong cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo củng cố năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở; tăng cường chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao, ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống lao trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao cho giai đoạn mới; xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn; hoàn thiện và ban hành “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế”; tăng cường hợp tác quốc tế và tăng cường các giải pháp đảm bảo nguồn lực, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh lao.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, Bộ Y tế luôn coi công tác phòng, chống bệnh lao là vấn đề cấp thiết cần được đặc biệt quan tâm và ưu tiên. Trong năm 2024, Bộ Y tế đã rà soát, xây dựng, cập nhật và ban hành 2 cuốn tài liệu hướng dẫn chuyên môn quan trọng về bệnh lao, bao gồm: Quyết định số 162/QĐ-BYT ngày 19-01-2024 phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao” cập nhật những hướng dẫn, khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới đối với công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao; Quyết định số 2627/QĐ-BYT ngày 5-9-2024 phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế” nhằm chuẩn hóa việc triển khai hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, Bộ Y tế đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống bệnh lao

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt trong việc triển khai Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao, Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ quan trọng như: Tăng cường công tác tuyên truyền về gánh nặng bệnh lao, vai trò công tác phòng, chống bệnh lao và ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống bệnh lao, các dấu hiệu mắc bệnh lao để tầm soát sớm, có các biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời.

Vận động sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh lao để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Triển khai điều tra dịch tễ lao toàn quốc nhằm đánh giá lại tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh lao hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Phối hợp với Bộ GD-ĐT biên soạn tài liệu hướng dẫn về phòng, chống bệnh lao phù hợp cho từng cấp học, lồng ghép kiến thức về phòng, chống bệnh lao trong các buổi sinh hoạt, truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

Trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các cá nhân, tập thể xuất sắc trong công tác phòng chống lao năm 2023

“Chấm dứt bệnh lao là việc làm có ý nghĩa to lớn và cơ hội chúng ta cần quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên từ hiện tại đến đích cuối cùng để chấm dứt bệnh lao còn rất xa và nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có thể đạt được nếu có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn thể nhân dân. Đặc biệt, sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước sẽ có tác động rất lớn đến hệ thống chính trị và người dân để giải quyết đúng yếu tố “xã hội” của bệnh lao”, ông Khoa nhấn mạnh.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)