Một kỹ thuật phẫu thuật thần kinh đặc biệt nhằm điều trị cơn đau dữ dội ở bệnh nhân ung thư sau xạ trị, thường được biết đến với tên gọi Hội chứng Pancoast-Tobias vừa được ê-kíp bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện thành công.
Đây là ca đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng kỹ thuật DREZtomy – can thiệp trực tiếp vào tủy sống để điều trị cơn đau mạn tính không đáp ứng với điều trị thông thường.

Hội chứng hiếm gặp nhưng để lại hệ lụy nặng nề
Giải thích về nguyên nhân của những cơn đau dữ dội, TS.BS Lê Viết Thắng, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Đau đám rối cánh tay mạn tính sau xạ trị (CRIBP) là một biến chứng thần kinh ít gặp nhưng vô cùng khó chịu. Nó thường xuất hiện muộn, từ vài tháng đến hàng chục năm sau khi người bệnh đã trải qua xạ trị ở vùng ngực, nách, cổ, đặc biệt trong điều trị ung thư vú, phổi hoặc hạch lympho. Nhóm phụ nữ điều trị ung thư vú là nhóm có nguy cơ cao nhất gặp tình trạng này”.
Đây là dạng đau thần kinh, với cảm giác bỏng rát, như điện giật, đi kèm yếu cơ, teo cơ và mất phản xạ gân xương ở chi trên. Theo TS.BS Thắng, điểm khác biệt của dạng đau này so với các loại đau mạn tính khác chính là mức độ dữ dội và sự kháng trị: “Khối u hoặc mô xơ hóa do xạ trị xâm lấn trực tiếp vào cấu trúc thần kinh, gây kích thích liên tục. Điều trị nội khoa, kể cả morphin, thường không có tác dụng rõ rệt”.
Đứng trước một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải sống chung với cơn đau suốt ngày đêm, khi mọi phương pháp nội khoa đều không mang lại hiệu quả, chỉ định can thiệp phẫu thuật sẽ được đặt ra.
“DREZtomy – kỹ thuật phá hủy vùng sừng sau tủy sống là phương pháp chuyên biệt nhắm vào đường dẫn truyền cảm giác đau. Tuy nhiên, đây không phải là phẫu thuật phổ biến vì đòi hỏi xác định cực kỳ chính xác vùng tổn thương để tránh làm ảnh hưởng đến các chức năng khác như vận động”, TS.BS Thắng nói.
Quyết định phẫu thuật chỉ được đưa ra sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, từ bác sĩ ung thư, bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ đau đến bác sĩ ngoại thần kinh. Theo BS Thắng, điểm mấu chốt là cân nhắc giữa lợi ích giảm đau thực sự và nguy cơ tiềm ẩn của phẫu thuật.

Ca đầu tiên tại Việt Nam – thách thức từ lý thuyết đến thực hành
Với tính chất là ca đầu tiên tại Việt Nam, quá trình chuẩn bị và thực hiện ca mổ đặt ra rất nhiều thách thức. “Xác định chính xác vị trí tổn thương trong tủy sống là yếu tố quan trọng”, ThS.BS Bùi Hoàng Tuấn Dũng, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ. Nếu lệch chỉ một chút, người bệnh có thể phải chịu biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến chi dưới.
Để đảm bảo độ chính xác cao nhất, ê-kíp sử dụng cộng hưởng từ MRI 3 Tesla nhằm chẩn đoán và đánh giá cấu trúc giải phẫu tủy sống và xác định vùng tổn thương. Trong khi đó, kính hiển vi phẫu thuật và hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh (IONM) được dùng xuyên suốt trong ca mổ. “IONM không chỉ giúp định vị mà còn cho phép chúng tôi theo dõi và điều chỉnh trong thời gian thực để bảo vệ các cấu trúc chức năng quan trọng”, ThS.BS Dũng nói thêm.
Với hơn 20 ca được đào tạo bài bản về DREZtomy trước đó. Việc phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa gây mê, hồi sức ngoại thần kinh, phục hồi chức năng, điều dưỡng cũng là điều kiện bắt buộc để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình mổ và hậu phẫu.
Người bệnh T.T.M.T., 69 tuổi, cư trú tại quận 7, TP.HCM, được chẩn đoán ung thư vú trái giai đoạn III, từng phẫu thuật đoạn nhũ, nạo hạch nách và xạ trị sau phẫu thuật 8 tuần. Khoảng hơn 1 năm gần đây, bệnh nhân xuất hiện cơn đau vùng cổ vai, lan xuống cánh tay trái, mức độ đau tăng dần kèm theo yếu chi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
Trước đó, người bệnh đã được điều trị bằng đa mô thức: thuốc giảm đau thần kinh, vật lý trị liệu, phong bế thần kinh… nhưng đáp ứng kém. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật DREZtomy.
“Ngay sau mổ, bệnh nhân đã giảm đáng kể cơn đau, từ mức 8/10 xuống 3/10 theo thang điểm VAS. Quan trọng hơn, người bệnh có thể ngủ ngon hơn, di chuyển thuận lợi hơn và giảm được lượng thuốc giảm đau dùng mỗi ngày”, ThS.BS Dũng chia sẻ. “Đây không chỉ là thành công y khoa, mà còn là sự thay đổi lớn về chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư”.
Theo đánh giá của TS.BS Thắng, việc thực hiện thành công ca DREZtomy đầu tiên tại Việt Nam mở ra một hướng đi mới trong điều trị đau mạn tính cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những trường hợp đã hết lựa chọn nội khoa.
Thương Nguyên
Bình luận (0)