Theo tham luận của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung và Trần Toàn Thắng – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi tới hội thảo “Dự báo kinh tế – xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 2/12, Việt Nam đang giữ vị trí cao nhất trong số các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu như thời điểm năm 2004, chỉ số phụ thuộc của ASEAN cao hơn của Việt Nam khoảng 16%, thì đến năm 2014, mọi việc đã đổi chiều khi chỉ số của Việt Nam cao hơn ASEAN 21,7%. Quan trọng hơn, sự việc này lại có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với một số nhóm hàng như nguyên liệu dệt may, thiết bị, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị cơ khí.
Việt Nam đang phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc lớn nhất ASEAN và các đối tác lớn. Nguồn: báo cáo của nhóm tác giả CIEM |
Chuyên gia của CIEM đánh giá gia tăng sự phụ thuộc nhập khẩu tạo nên rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đa dạng hóa thị trường và tận dụng các ưu đãi từ quá trình hội nhập. Hầu hết các hiệp định thương mại tự do hiện nay đều quy định tỷ lệ xuất xứ hàng hóa từ 30% trở lên, nếu cứ trông chờ vào nguồn cung từ Trung quốc, các doanh nghiệp trong nước khó có thể được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào các thị trường khác.
Về xuất khẩu, mô hình tính toán của CIEM cho thấy Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thấp hơn mức trung bình của ASEAN, tuy nhiên từ 2008 trở lại đây, mức độ phụ thuộc có xu hướng đi lên. Đặc biệt, Việt Nam hầu như không điều chỉnh được nhiều về chỉ số phụ thuộc xuất khẩu trước những rủi ro địa chính trị khu vực đang xảy ra, khác với Philippines vốn cũng đang có những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.
“Philippines đã điều chỉnh cơ cấu thương mại với Trung Quốc nhanh hơn Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc. Có tới 46 trong 93 ngành của nước này đã giảm hoặc không thay đổi phụ thuộc vào Trung Quốc, con số này của Việt Nam là 40 trên 94 ngành. Số ngành có sự phụ thuộc tăng nhanh trên 200% của Việt nam cũng lớn hơn của Philippines khá nhiều, số ngành được đánh giá là phụ thuộc từ mức trung bình đến rất cao cũng lớn gần gấp đôi so với Philippines”, báo cáo nêu.
Việt Nam phải giảm bớt phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Ảnh: Quý Đoàn. |
Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – tiến sĩ Lê Quốc Phương cũng cho hay kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, thể hiện qua con số nhập siêu không ngừng tăng qua các năm, từ khoảng 200 triệu USD năm 2001 lên đến 28,9 tỷ USD vào năm 2014, tăng 144 lần. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng ngày của các doanh nghiệp, chỉ 20% là hàng tiêu dùng.
“Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp bản địa, có khả năng Việt Nam rơi vào hiệu ứng 'giải công nghiệp hóa' sớm khi chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc các hàng hóa dựa vào tài nguyên và nhập khẩu hàng công nghiệp chế tạo thành phẩm. Về lâu dài, sẽ làm suy giảm năng suất của Việt Nam dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Phương nhận xét.
Nguyên nhân chính dẫn tới nhập siêu với Trung Quốc được vị này chỉ ra là do hệ thống chính sách định hướng, từ tỷ giá, lãi suất, đất đai, hệ thống động lực…, mà riêng hệ thống chính sách đã làm cho cơ cấu kinh tế sai lệch, không khuyến khích sản xuất trong nước, làm các ngành công nghiệp luôn nằm ở đáy của chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh trên, các chuyên gia đã bàn tới các giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, lường trước khi căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và tranh chấp trên Biển Đông có thể xảy ra trong tương lai khiến Trung Quốc áp đặt những hạn chế trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
“Hiện nay, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, nếu Việt Nam không chủ động tìm thị trường mới thì sau khi tình hình xấu đi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, tiến sĩ Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) nhận định.
“Là một nước có độ mở thương mại cao, vai trò của thương mại với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là lớn. Do Trung quốc là một đối tác thương mại quan trọng, sự phụ thuộc của tăng trưởng vào thương mại có kéo theo sự phụ thuộc của tăng trưởng vào xuất và nhập khẩu với Trung Quốc hay không? Nếu có, Việt Nam có hy sinh tăng trưởng để giảm sự phụ thuộc?”, chuyên gia của CIEM nêu vấn đề.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Khôi, với tiến trình thỏa thuận và ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác ngoài Trung Quốc, trong tương lai gần, sự phụ thuộc vào thị trường này sẽ được cải thiện. Ông cho rằng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra triển vọng thương mại tốt hơn với Việt Nam, giúp cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định.
Vị này cũng khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách kinh tế thương mại toàn diện để tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại và hạn chế những thách thức đối với nền kinh tế, trong đó chú trọng đến việc giảm nhập khẩu nhóm hàng trung gian, đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phương Linh/ VNE
Bình luận (0)