Dưới sự chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, hôm qua (28-3), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã tổ chức hội thảo khoa học về “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam”.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thị trường điện Việt Nam phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến sau 2023 để có thị trường bán lẻ cạnh tranh là quá dài. Các cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Ngay cấp độ 1 bắt đầu từ 2005 nhưng tới 2011 mới vận hành thí điểm. Như vậy phải mất 20 năm thực hiện, đến sau năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Do vậy, nên chăng có thể xem xét khả năng các cấp độ thực hiện có sự đan xen lẫn nhau, thường xuyên rút kinh nghiệm và hoàn thiện để rút ngắn thời gian.
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), việc liên tiếp tăng giá bán than nội địa cho các nhà máy nhiệt điện than trong 2 năm qua đã đẩy mức chi phí nhiệt điện tăng cao. Mức giá trần thị trường cũng đã tăng từ 846,3 đồng/kWh đầu năm 2013 lên mức 1.168 đồng/kWh từ năm 2014. Như vậy, hoạt động của thị trường điện lực có hiệu quả hay không, an ninh cung cấp điện trung – dài hạn phụ thuộc rất lớn vào chính sách chung của toàn ngành năng lượng. Việc sử dụng, phân bổ tối ưu dài hạn các nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí) sẽ giúp các khâu phát điện tận dụng được tối đa nguồn lực trong nước để phát triển, hạn chế phải sử dụng các nguồn nhiên liệu nhập khẩu với giá thành cao.
Liên quan đến năng lượng than, ông Nguyễn Chí Quang, Phó trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Chiến lược phát triển (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Vinacomin), dự báo tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1% – 8,7% giai đoạn 2001 – 2020. Nhu cầu điện ngày càng lớn, khả năng cân đối tài chính để khai thác và chế biến 55 – 58 triệu tấn than sau năm 2015 là rất khó khăn. Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, tình huống phải nhập khẩu than sẽ xuất hiện sớm hơn vào khoảng năm 2015 – 2018.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, khả năng khai thác và chế biến than của Vinacomin cũng chỉ đáp ứng được 40% – 50% nhu cầu than cho sản xuất điện, thực chất sản lượng than sẽ chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000 MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỷ kWh mỗi năm. Do đó Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia nhập than. Sức ép về thiếu hụt than sẽ tiếp tục gia tăng đối với an ninh năng lượng Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển và xây dựng mới các mỏ than hầm lò và khai thác than đồng bằng sông Hồng để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong giai đoạn 2010 – 2030 được đánh giá khoảng 50 – 80 tỷ USD, là một thách thức rất lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu không nhanh chóng phát triển thị trường năng lượng, Việt Nam sẽ đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó căn bản nhất là nguy cơ tụt hậu do không đảm bảo được an ninh năng lượng. An ninh năng lượng sẽ là “cuộc chơi” khốc liệt của hầu hết các quốc gia trên toàn cầu. Nếu chúng ta không xây dựng được một thị trường năng lượng đúng nghĩa, sẽ đứng trước nguy cơ lệ thuộc, bị thao túng.
HÀ MY – ANH THƯ
(SGGP)
Bình luận (0)