Sự kiện giáo dụcTin tức

Việt Nam lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ cùng doanh nghiệp Singapore

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 10.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp VN – Singapore.

Chia sẻ với Thủ tướng, ông Tow Heng Tan, Phó chủ tịch Tập đoàn Sembcorp, cho biết đã liên danh với Becamex Bình Dương đầu tư các khu công nghiệp VSIP từ năm 1996, cách đây 27 năm. Tới thời điểm này đã có 12 khu công nghiệp VSIP hình thành trên 9 địa phương ở VN. Theo ông, điểm mấu chốt để thành công chính là xây dựng niềm tin vào chính quyền, đối tác và khách hàng.

Việt Nam lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ cùng doanh nghiệp Singapore - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp VN – Singapore. Dương Giang

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered tại VN cho rằng VN là "ngôi sao" đang lên trong khu vực. Standard Chartered mong muốn tham gia hỗ trợ các DN Singapore mở rộng đầu tư tại VN, nhất là vào các lĩnh vực chuỗi cung ứng, đa dạng hóa cơ hội hợp tác đầu tư; thúc đẩy chuyển đổi số, năng lượng xanh, sạch; thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Chia sẻ với các DN, Thủ tướng đánh giá trong 50 năm qua, quan hệ VN – Singapore đã "đi từ nhỏ đến lớn, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp, từ con số 0 lên con số lớn. Điều quan trọng nhất là hai bên hiểu nhau hơn, có kinh nghiệm hơn, dày dạn hơn, bản lĩnh hơn, đặc biệt là tin tưởng nhau hơn để yên tâm làm ăn với nhau".

"Việc Singapore phát triển như ngày nay đã truyền cảm hứng cho VN và nhiều nước trên thế giới. Một nước nhỏ nhưng đi như thế nào để thành một nước phát triển, nước nhỏ nhưng mạnh. VN cũng học tập điều này để xây dựng nước VN hùng cường, hùng mạnh, phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới", Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, giữ được môi trường chính trị ổn định, giữ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều quan trọng, bởi chẳng ai đến đầu tư khi môi trường chính trị không ổn định. Thủ tướng khẳng định VN thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. VN không chọn bên hay nghiêng về phe nào mà chỉ chọn lẽ phải.

Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi", cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Singapore đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại VN.

Tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư cùng chí hướng

Trưa 10.2, trước khi rời Singapore, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm kéo dài từ 8 – 10.2, Thủ tướng đã có buổi tọa đàm, ăn trưa với các tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư tài chính. Theo Thủ tướng, dù đối mặt với nhiều thách thức trước mắt, đây cũng là thời điểm chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn cho tương lai phát triển xanh và bền vững. Mục tiêu cốt lõi hướng tới là đưa VN thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng đồng nhà đầu tư.

Nhắc lại các kết quả ấn tượng của VN trong năm 2022, Thủ tướng bày tỏ VN đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỉ USD, VN lần đầu tiên được UNCTAD (Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển – PV) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Trưa 10.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong. Phó thủ tướng Singapore khẳng định VN là đối tác quan trọng của Singapore ở khu vực; khẳng định việc hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng… và mong muốn hai nước tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, văn hóa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, VN trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động nguồn lực lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, VN cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỉ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP/năm) để triển khai đồng thời lộ trình chống chịu với biến đổi khí hậu và khử carbon.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo Thủ tướng, nguồn lực nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

"Về phía VN, chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài có cùng chí hướng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Mai Hà/TNO

 

Bình luận (0)