Theo thống kê mới nhất của Globocan, mỗi năm Việt Nam ước tính có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư (tương đương mỗi ngày có hơn 494 ca mắc mới và 329 ca tử vong do ung thư). Số ca mắc mới và tử vong do ung thư đang có chiều hướng gia tăng theo từng năm…
Hơn 70% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng, các bệnh viện Việt Nam hiện trang bị hầu hết phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại, tiệm cận với thế giới, trong đó có điều trị đích, điều trị miễn dịch. Nhiều thuốc điều trị ung thư đã được đưa vào danh mục thuốc được chi trả của bảo hiểm y tế, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với phác đồ điều trị hiệu quả cũng như phương thuốc tiên tiến. Song, yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là việc phát hiện sớm hay muộn. Khả năng sống thêm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp các phương pháp.
“Hiện hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển”, bà Xuyên nói.
Các chuyên gia cho rằng, mô hình bệnh tật của mỗi nước là khác nhau dẫn đến tỷ lệ tử vong do ung thư cũng khác nhau. Như tại Australia tỷ lệ ung thư vú, tiền liệt tuyến cao nhất; còn Hàn Quốc thì tỷ lệ ung thư dạ dày, giáp trạng, đại tràng cao hơn. Những loại ung thư này có tiên lượng tốt, tỷ lệ sống cao, đặc biệt ung thư giáp trạng gần như được chữa khỏi hoàn toàn. Riêng ở Việt Nam, ba loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh lý thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.
Tại TP.HCM, mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu tiếp nhận từ 4.700-4.800 bệnh nhân đến khám, khoảng 1.000-1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày và số bệnh nhân nội trú là 800-900 người. Trong đó, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước (trước đây tỷ lệ này là 75%), số lượng bệnh nhân có địa chỉ tại TP.HCM đến khám không biến động nhiều (khoảng 700-750 bệnh nhân/ngày).
Với quy mô 1.000 giường bệnh và số bệnh nhân nội trú khoảng 800-900 người, bệnh viện đảm bảo giường nội trú cho những bệnh nhân diễn tiến nặng có chỉ định nhập viện. Do vậy hiện tại đối với bệnh nhân nội trú không còn tình trạng phải nằm ghép vì quá tải và thiếu cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, số lượng bệnh ngoại trú hiện tại tăng khoảng 8-10% so với trước đây.
Theo đó, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh như: Tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5 giờ sáng; Tăng số ca xạ trị bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc khoảng 22 giờ; Tổ chức mổ ngoài giờ hành chính và ngày thứ bảy.
Nhờ vậy, thời gian chờ mổ giảm còn từ 1 đến 3 tuần, thời gian chờ xạ trị giảm trung bình khoảng 1 đến 2 tuần so với trước đây tùy theo từng loại bệnh lý. Đối với bệnh nhân có bệnh lý ác tính thời gian chờ mổ ngắn hơn bệnh nhân có bệnh lý lành tính. Bệnh viện áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.
Tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm
Có nhiều loại ung thư có thể điều trị khỏi đến 90% nếu được phát hiện sớm. Theo đó việc tầm soát để phát hiện sớm là khuyến cáo được các bác sĩ đưa ra cho mọi người…
Tại TP.HCM, ngành y tế xác định rõ việc xây dựng chiến lược phòng chống ung thư với các hoạt động trọng tâm được triển khai đồng bộ theo khuyến cáo của WHO là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành. Trên cơ sở đó, ngành y tế đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch 3944/KH-UBND về Phòng, chống ung thư trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025; đồng thời Sở Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch 8534/KH-SYT về Tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư nhằm phát hiện ngày càng sớm những trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả hơn, với thời gian ngắn hơn. Hiện nay, Sở Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch nhằm xây dựng Trung tâm Khám sức khỏe và phát hiện bệnh sớm bằng công nghệ cao của TP trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Giải pháp tiếp theo là đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân. Đây cũng là nội dung phát triển y tế chuyên sâu mà Sở Y tế đang yêu cầu các bệnh viện triển khai.
Tăng cường phối hợp các tỉnh, thành trong vùng nhằm triển khai công tác khám sàng lọc; đẩy mạnh phối hợp, hợp tác vùng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương và hình thành “Mạng lưới phòng chống ung thư vùng”. Mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối; điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối cho đến cộng đồng, không chỉ khu trú ở TP.HCM mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Anh Kim
Bình luận (0)