Vừa qua, tại Công viên phần mềm Quang Trung, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông có buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, do Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý: “Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể”. Ông phân tích rằng, thế giới cần cách tiếp cận mới về mạng xã hội. Chính người dùng phải được chia sẻ giá trị mà mạng xã hội đó tạo ra. Họ phải được tham gia quyết định luật chơi và được bảo vệ trên đó. Mạng xã hội là một xã hội nên các giá trị đạo đức căn bản của con người cần được tôn trọng và phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia.
“Tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa. Đã đến lúc cần một mạng xã hội mà giá trị do cộng đồng tạo ra được chia sẻ chứ không đổ về cho một người”, ông Hùng nói. Với công cụ tìm kiếm, khi tìm thông tin thì sau một câu hỏi sẽ có hàng trăm nghìn câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, trong số các đáp án, cần một câu trả lời có độ tin cậy để dùng được, nhất là những người không có chuyên môn.
Hạt nhân để triển khai quá trình chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, là các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, được chia thành 4 nhóm. Thứ nhất, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn có năng lực tài chính, thị trường, quản trị chuyển sang làm doanh nghiệp công nghệ, như Viettel, Vingroup. Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ đã làm trong nghề nhiều năm nhưng phần nhiều là gia công lắp ráp nay tham gia làm sản phẩm “Make in Vietnam”. Thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ đến mọi ngóc ngách trong xã hội. Thứ tư, các startup có đột phá về đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh. Cả 4 có vai trò riêng trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số mang đến cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh, đi đầu và có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là tư duy.
V.Thông
Bình luận (0)