Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Việt Nam nghiên cứu: Phát triển hệ thống giao thông vận tải đến năm 2030

Tạp Chí Giáo Dục

 

Quốc lộ 1A, đoạn Bình Tân giao với đường dẫn vào đường cao tốc. Ảnh: Hà Anh

Dự án “Nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam hay còn gọi là dự án VITRANSS 2” đã được tiến hành khoảng 2 năm. Đây là dự án do đơn vị tư vấn quốc tế của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam cần tối thiểu 70 tỉ USD cho việc phát triển bền vững hệ thống GTVT đến năm 2030.
GTVT giúp phát triển kinh tế quốc gia
Theo đánh giá của Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, các kết quả nghiên cứu của dự án VITRANSS 2 là một trong những cơ sở dữ liệu khoa học xác đáng và toàn diện để xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành GTVT. Kết quả này sẽ là cơ sở để triển khai các dự án GTVT cụ thể trong tương lai của Việt Nam. Hiện nay, VITRANSS 2 đã hoàn thành mục tiêu xây dựng những kịch bản – hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng và dịch vụ GTVT ở Việt Nam đến năm 2030. Ý tưởng phát triển GTVT bền vững của VITRANSS 2 có tác dụng hỗ trợ thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng và giảm nghèo. Được biết, với ý tưởng chủ đạo này, các chuyên gia đã tiến hành hàng loạt khảo sát thực tế đối với tất cả các phương thức GTVT tại các vùng, miền của Việt Nam, nghiên cứu các kịch bản về tốc độ phát triển kinh tế quốc gia, tính toán nhu cầu GTVT quốc gia từng giai đoạn đến năm 2030.
Theo khảo sát GTVT của VITRANSS 2, nhu cầu GTVT của Việt Nam từ nay đến giai đoạn 2030 sẽ tăng rất mạnh. Cụ thể, về lượt hành khách và tấn hàng hóa sẽ tăng 300% – 400% so với năm 2008. Về hành khách/km và tấn/km sẽ tăng trên 700% – 800% so với năm 2008. Dự đoán của đơn vị khảo sát, trong tương lai, vận tải hành khách cũng như năng lực đường bộ tại nhiều khu vực sẽ bị quá tải; năng lực đường sắt tại khu vực quanh Hà Nội và TP.HCM sẽ không đáp ứng được nhu cầu; năng lực sân bay tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đều thiếu hụt. Bên cạnh đó, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy nội địa sẽ tăng nhanh. Đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, năng lực của phần lớn các cụm cảng sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
Việt Nam sẽ có dịch vụ giao thông đa phương thức
Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống GTVT quốc gia trong tương lai sẽ đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và giúp giảm nghèo của Việt Nam, được VITRANSS 2 phác họa thật rõ: là một mạng lưới và dịch vụ GTVT đa phương thức cạnh tranh cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, mạng lưới và dịch vụ GTVT ở các địa phương liên kết hiệu quả với hệ thống GTVT vùng và quốc gia. Từng bước đi mang tính chiến lược cho kế hoạch phát triển này cũng được VITRANSS 2 khuyến nghị với những dự án cụ thể, mức đầu tư yêu cầu cũng như khả năng vốn đầu tư của quốc gia. Mạng lưới GTVT Việt Nam sẽ được phân bố rõ tại các cụm phát triển kinh tế, các hành lang phát triển và các cửa ngõ quốc tế. Theo thiết kế, có 3 cụm phát triển chính yếu phân bố tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Song song đó, có các cụm thứ yếu ven biển và vùng cao. Các cụm phát triển này được kết nối với nhau và liên kết với các vùng, miền khắp cả nước bằng 32 hành lang, trong đó, hành lang xương sống của quốc gia là hành lang Bắc – Nam và hành lang Đông – Tây được xác định tại khu vực miền Trung.
Dựa vào khung phát triển kể trên, VITRANSS 2 đưa ra: Tổng hợp chiến lược phát triển ngành GTVT toàn diện và dài hạn theo mục tiêu đến năm 2030; Xây dựng kế hoạch tổng thể GTVT toàn diện và trung hạn theo mục tiêu đến năm 2020; Xây dựng chương trình đầu tư ngắn hạn cho giai đoạn 2011-2015; Xây dựng kế hoạch tổng thể mạng lưới đường cao tốc Bắc – Nam và tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho các đoạn tuyến ưu tiên; Lập kế hoạch sơ bộ cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Từ các nghiên cứu của VITRANSS 2, yêu cầu vốn đầu tư cho quy hoạch tổng thể GTVT Việt Nam đến 2030 lên đến 70 tỉ USD (nếu không tính phương án đường sắt cao tốc Bắc – Nam) và lên đến 89,1 tỉ USD nếu tính phương án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nghiên cứu cũng tính toán cho thấy, khả năng ngân sách có thể huy động được cho GTVT của Việt Nam, mức thấp nhất là 37 tỉ USD, mức cao nhất lên đến 96 tỉ USD (dựa trên các giả định về tăng trưởng GDP hàng năm, các mức đầu tư cho GTVT từ thấp nhất là 3% GDP, trung bình 5% GDP và cao nhất 7% GDP).
Phương Vy

 

Bình luận (0)