Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Việt Nam nhập siêu chủ yếu vì hàng xa xỉ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến cuối năm, các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vẫn lên tới 10 tỉ USD. Trong số 10 tỉ USD, có tới 9 tỉ USD dành để nhập các sản phẩm: rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại.

Dù chủ trương hạn chế nhập siêu được triển khai mạnh mẽ trong năm 2010 bằng các biện pháp như hạn chế cấp ngoại tệ để nhập khẩu hàng xa xỉ, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sử dụng hàng rào kỹ thuật… nhưng đến cuối năm, các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vẫn lên tới 10 tỉ USD.

Trong số 10 tỉ USD, có tới 9 tỉ USD dành để nhập các sản phẩm: rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại. Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu so sánh với mức nhập siêu 12,6 tỉ USD, thì con số 10 tỉ USD người dân bỏ ra tiêu xài hàng ngoại vô cùng đáng lo ngại. Hàng xa xỉ đang khiến nhập siêu tăng cao và không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như làm hao tổn nguồn lực ngoại tệ của đất nước.

Tâm lý sính ngoại
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, điều này chứng tỏ tâm lý sính ngoại, thích dùng hàng ngoại của người dân đang ngày càng gia tăng. Nhà nước không cấm nhưng cần có biện pháp để ngăn chặn, hạn chế trong điều kiện nền kinh tế luôn khan hiếm ngoại tệ, và nhập siêu thâm niên diễn ra trong suốt những năm qua.
Theo ông, để giảm nhu cầu dùng hàng ngoại, có thể áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao, hoặc có thể sử dụng các biện pháp khác mà không vi phạm quy định của WTO như tạo thủ tục hành chính thuế, hải quan ngặt nghèo hơn đối với các mặt hàng xa xỉ này.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong đề nghị, các bộ ngành chức năng nên coi con số nhập khẩu trên là vấn đề báo động thực sự để nhanh chóng đưa ra giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn. Ông kiến nghị, việc gia nhập WTO sẽ buộc Việt Nam phải tuân thủ các lộ trình cắt giảm thuế, các mức thuế suất đối với hàng hóa nước ngoài, nhưng ngoài các công cụ đó, cơ quan quản lý có thể sử dụng hàng rào kỹ thuật như đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn môi trường, hay các biện pháp khác về tài chính: hạn chế ngoại tệ, hạn chế cho vay để nhập khẩu.
Dùng ngoại tệ khác thay USD trong nhập khẩu?
Mới đây, việc hạn chế các mặt hàng xa xỉ cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất với Chính phủ cho phép được sử dụng đồng ngoại tệ khác thay thế đồng USD. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, có thể ngay trong 2011 sẽ cho phép dùng đồng euro, bảng Anh, nhân dân tệ (Trung Quốc), đồng yen (Nhật Bản) để nhập khẩu hàng hóa xa xỉ từ các quốc gia này nhằm giảm tình trạng căng thẳng ngoại tệ, kiềm chế nhập siêu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì giải pháp trên không dễ dàng thực hiện trong bối cảnh doanh nghiệp, cũng như người dân vẫn mang nặng tâm lý chỉ thích dùng USD như hiện nay. Mặt khác, nếu cho thanh toán bằng ngoại tệ khác, NHNN phải có đủ dự trữ ngoại tệ đối với đồng tiền đó, phải tính toán được nhu cầu để có thể can thiệp kịp thời. Ngoài ra, để thực hiện việc thanh toán giữa VNĐ và ngoại tệ đó, NHNN cần phải xây dựng lại quyền số rổ ngoại tệ, hệ thống tài khoản tại các ngân hàng… "Đó là vấn đề phải làm và mất cả năm trời, chứ không thể thực hiện ngày một ngày hai", một chuyên gia nhận định.
Trên thực tế, dù nhiều lần tuyên bố dùng ngoại tệ khác thay USD nhập khẩu hàng xa xỉ, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có một nghiên cứu thực sự nghiêm túc, triệt để về vấn đề này. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu thanh toán gián tiếp, nghĩa là, dùng USD làm trung gian thì không quá khó khăn với ngân hàng. Ví dụ, nhà nhập khẩu – xuất khẩu có thể thỏa thuận với nhau đến ngày thanh toán, căn cứ vào tỷ giá USD và VNĐ, USD và yen để quy đổi. Việc chuyển đổi này không có gì khó, các ngân hàng có thể dễ dàng hạch toán.
Nhưng neo VNĐ vào đồng tiền khác không phải USD sẽ là một bước chuyển không dễ dàng, cần có sự tính toán lại cả một hệ thống tiền tệ. Vì vậy, NHNN cần có bước đi thận trọng, nghiên cứu cả những quy định của WTO, nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia để xây dựng. Trước mắt, TS Nguyễn Minh Phong cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng, NHNN nên tiếp tục có chủ trương mạnh mẽ hơn, có cơ chế phối hợp với Bộ Công thương để đưa ra hàng rào về tài chính, kỹ thuật để giảm bớt lượng hàng nhập khẩu xa xỉ.
Nguồn Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)